Cả nước có khoảng 3.000 toà chung cư, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM

Thống kê sơ bộ đến nay cho thấy, cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư; trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Hà Nội và TPHCM. Nguồn cung căn hộ chung cư cũng chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn cung nhà ở tại 2 thành phố này.
Cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư với hàng trăm nghìn căn hộ cung ứng ra thị trường.
Cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư với hàng trăm nghìn căn hộ cung ứng ra thị trường.

Nhận định về mô hình chung cư, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho hay, chung cư cao tầng thế hệ mới được bắt đầu xây dựng từ những năm 2000, nhưng thực chất mới phát triển mạnh mẽ trong vòng 10 năm trở lại đây.

Từ những chung cư cao tầng đầu tiên được xây dựng tại các khu đô thị mới (KĐTM) Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa - Nhân Chính, Phú Mỹ Hưng với chiều cao 9, 10 tầng, thiết kế căn hộ có diện tích 50 - 70m2, chủ yếu dùng để ở.

Đến nay mô hình chung cư cao tầng đã có bước phát triển vượt bậc, với nhiều chủng loại, từ bình dân đến cao cấp, thậm chí siêu cao cấp, từ chỉ có chiều cao 9, 10 tầng, đến 30, 40 tầng và cao hơn, nhà chung cư hiện nay được thiết kế với mục đính sử dụng hỗn hợp với đầy đủ các dịch vụ, tiện ích.

Hệ thống quy định pháp luật, từ chỗ hầu như không có quy định điều chỉnh, đến năm 2003 Bộ Xây dựng mới ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đầu tiên, đến nay ta đã có Luật Nhà ở 2005, Luật Nhà ở 2014 dành hẳn một chương riêng với những quy định rất cụ thể về công tác quản lý nhà chung cư.

Bộ Xây dựng từ năm 2003 đến nay cũng ban hành nhiều quyết định, thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, với rất nhiều điều chỉnh cho phù hợp với thực tế qua từng thời kỳ.

"Mô hình nhà chung cư cao tầng đã được xã hội hiện nay chấp nhận và ngày càng trở thành xu hướng nhà ở chủ yếu tại các khu vực đô thị của nước ta", ông Hà nhận định.

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thì trong năm 2018 nguồn cung căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng nguồn cung nhà ở tại Hà Nội và TPHCM.

Cụ thể, tại Hà Nội, căn hộ chung cư chiếm 87,3% tổng nguồn cung nhà ở với khoảng 40.000 căn hộ, các loại nhà ở khác như biệt thự, nhà liền kề, đất nền chỉ chiếm chưa đến 13%. Tại TPHCM, tỷ trọng căn hộ chung cư còn lớn hơn, chiếm gần 90% tổng nguồn cung nhà ở, với gần 45.000 căn.

Theo đại diện VnREA, nhà chung cư cao tầng hiện được đầu tư xây dựng không chỉ ở Hà Nội và TPHCM mà còn tại các thành phố khác trong cả nước như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Thái Nguyên...

"Việc mô hình nhà chung cư cao tầng được phát triển mạnh mẽ như hiện nay đã chứng tỏ: ngoài việc có quy hoạch, thiết kế phù hợp, chất lượng bảo đảm, an toàn, tiện ích trong sử dụng, có giá cả phù hợp với nhiều đối tượng, thì công tác quản lý, vận hành nhà chung cư cũng từng bước được cải thiện và được những người sử dụng nhà chung cư chấp nhận", ông Hà nói.

Đồng quan điểm, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cải thiện điều kiện ở và xây dựng nếp sống văn minh cho cư dân tại các đô thị.

Thống kê sơ bộ đến nay cho thấy, cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư; trong đó, tập trung chủ yếu tại thành phố Hà Nội và TPHCM.

"Mục đích phát triển nhà chung cư không chỉ để tiết kiệm quỹ đất ngày càng bị thu hẹp do tốc độ tăng dân số ngày càng nhanh mà còn góp phần tạo ra kiến trúc, cảnh quan đô thị khang trang, môi trường xanh, sạch đẹp góp phần tạo nên cuộc sống văn minh, hiện đại", Thứ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong việc quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư. Điển hình là việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành, tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư, vấn đề về xác định diện tích sở hữu chung - riêng.

Một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư.

Tin cùng chuyên mục