Công ty CP May Thăng Long “chiếm dụng” hơn 14 tỷ đồng quỹ bảo trì?

Tại Hà Nội, cư dân và Ban quản trị (BQT) chung cư Thăng Long Garden 250 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang tỏ ra hoang mang, bức xúc trước thông tin đại diện chủ đầu tư tuyên bố không còn tiền để trả quỹ bảo trì.
Trước đó, tại chung cư Thăng Long Garden, cư dân đã từng tập trung phản đối chủ đầu tư với hàng loạt các sai phạm.
Trước đó, tại chung cư Thăng Long Garden, cư dân đã từng tập trung phản đối chủ đầu tư với hàng loạt các sai phạm.

Kêu khó nên chưa trả 14 tỷ đồng quỹ bảo trì

Theo đại diện BQT chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), từ khi được thành lập hợp pháp, BQT đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP May Thăng Long bàn giao quỹ bảo trì. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn phớt lờ những kiến nghị đó.

Phía Công ty CP May Thăng Long đã đưa ra được số liệu tổng kinh phí bảo trì thu được từ khối căn hộ là 14,676,284,904 đồng. Kinh phí bảo trì thuộc diện tích chủ đầu tư sở hữu chưa được chủ đầu tư cung cấp số liệu.

Mới đây, tại cuộc họp giữa cư dân, BQT và chủ đầu tư, ông Ngô Văn Đơn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Thăng Long cho biết, công ty kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thua lỗ, dự án chưa hoàn thiện... nên đề xuất BQT tìm kiếm khách hàng để cho thuê khu vực dịch vụ tại tầng 1 toà nhà. Đồng thời, đại diện chủ đầu tư hứa hẹn sẽ trước mắt sẽ chuyển trả BQT 10% kinh phí bảo trì, tiếp theo sẽ chuyển trả 10% mỗi quý.

Tuy nhiên, lý do mà phía chủ đầu tư đưa ra đã khiến cư dân và BQT không chấp nhận. Đỗ Quang Bình, Trưởng BQT cho biết, việc kinh doanh thua lỗ của công ty không ảnh hưởng tới quỹ bảo trì do đây là nguồn thu độc lập với hoạt động của công ty. Do vậy, BQT vẫn yêu cầu Công ty CP May Thăng Long phải chuyển quỹ bảo trì vào tài khoản riêng và bàn giao ngay phần kinh phí bảo trì đối với phần căn hộ đã được các bên thống nhất.

Liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Bảo Chung, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng cũng cho rằng, việc kinh doanh thua lỗ của công ty không ảnh hưởng tới quỹ bảo trì bởi đây là nguồn thu độc lập với hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, theo ông Chung, công ty phải bàn giao ngay phần kinh phí bảo trì đối với phần căn hộ đã được các bên thống nhất. Trường hợp công ty không còn đủ quỹ bảo trì để bàn giao thì phải có văn bản đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn giải quyết.

Liên quan tới những bức xúc của cư dân chung cư Thăng Long Garden, UBND TP. Hà Nội cũng đã ra chỉ đạo yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ thiết kế quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời đề nghị các bên làm rõ các hồ sơ, tài liệu về dự án.

Tuy nhiên, theo phản ánh của đại diện BQT, đến nay, phía chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện bất kỳ một công tác bàn giao nào về hồ sơ thiết kế, quy hoạch được duyệt, nhà sinh hoạt cộng đồng và quỹ bảo trì.

Quan điểm của BQT không chấp nhận kế hoạch mỗi quý trả góp 10 – 12% tiền quỹ bảo trì mà Công ty May Thăng Long đưa ra. Dù chủ đầu tư đã chuyển 500 triệu đồng và hứa sẽ trả hết tiền quỹ.

BQT chung cư này cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị thành phố Hà Nội cưỡng chế việc trả lại quỹ bảo trì, đảm bảo quyền lợi của cư dân.

Khởi kiện chủ đầu tư ra tòa

Theo thống kê, tại Hà Nội, có khoảng 200 tòa chung cư, nhưng chưa đến 20% trong số đó bàn giao phí bảo trì đầy đủ cho BQT. Hiện nay, phí bảo trì của các chung cư thấp cũng vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng. Tất cả những trường hợp chủ đầu tư chây ì ôm tiền không bàn giao cho BQT đã vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật.

Điển hình như việc cư dân tại tòa nhà Keangnam đã phải gửi đơn lên Thủ tướng để kêu cứu về việc quỹ bảo trì (giá trị khoảng 160 tỷ đồng) chưa được chủ đầu tư bàn giao dù BQT tòa nhà đã thành lập được 3 năm. Sau đó, chủ đầu tư dự án dù chấp thuận trả quỹ bảo trì nhưng theo phương thức từng phần.

Tiếp đó, hàng loạt tranh chấp diễn ra tại các chung cư như: Chung cư CT12 Văn Phú, chung cư Hồ Gươm Plaza, chung cư VP3 Linh Đàm, chung cư Golend West… Mới đầu thì cư dân gửi đơn tới các cơ quan chức năng. Khi sự việc không được giải quyết, cư dân tập trung căng băng rôn, biểu ngữ giăng đầy phía dưới toà nhà phản đối chủ đầu tư om quỹ bảo trì của cư dân.

Đáng chú ý, BQT đơn nguyên 1&3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng chây ì bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.

Nhiều hạng mục của chung cư CT3 Trung Văn đang trong quá trình xuống cấp nghiêm trọng, nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì không hoàn trả quỹ bảo trì.  

Bà Phạm Thị Xuân, Trưởng BQT đơn nguyên 1 cho biết, đến nay (ngày 8/6), BQT đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ tòa án yêu cầu. Quan điểm của BQT và cư dân sẽ đòi quyền lợi của mình tại Tòa án.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết: BQT được dân bầu ra sau đại hội cư dân tòa nhà và đã được chính quyền địa phương thừa nhận thì hoàn toàn có đủ tư cách để thay mặt cư dân nhận bàn giao phí bảo trì.

"Nếu việc chây ì kéo dài quá lâu, người dân có quyền nghi ngờ phí bảo trì đã bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, thậm chí đã tiêu hết. Như vậy, các cơ quan quản lý cần vào cuộc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà. Thậm chí, nếu chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản có thể xử lý hình sự", đại diện Bộ Xây dựng khẳng định.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Minh Bạch khuyến cáo, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ các quy định, điều khoản về phí bảo trì trước khi ký hợp đồng mua nhà đối với chủ đầu tư.

Đặc biệt, ngay từ lúc đầu, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư tách bạch khoản tiền mua nhà và 2% phí bảo trì thành các hóa đơn khác nhau. Với khoản phí bảo trì, chủ đầu tư phải gửi thành một tài khoản riêng tại ngân hàng để người dân có thể giám sát, tránh việc chủ đầu tư sử dụng sai mục đích khoản tiền này./.

Bộ Xây dựng mới đây yêu cầu các địa phương tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về nhà ở, đôn đốc địa phương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở theo thẩm quyền. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà ở cần được tăng cường.

Trong đó, những trường hợp phổ biến là: không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; không bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho BQT nhà chung cư; không tổ chức hoặc gây khó khăn trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; lấn chiếm không gian; xây dựng không đúng quy hoạch đã được duyệt...

Tin cùng chuyên mục