Tiền tiếp tục đổ vào bất động sản TP.HCM

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, 8 tháng năm 2018, TP.HCM đã đón nhận dòng vốn lớn cả trong nước và nước ngoài đổ bộ vào ngành bất động sản.
Thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển.
Thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển.

Dòng vốn tiếp tục đổ vào bất động sản

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 8 tháng qua, Thành phố có 28.156 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 349.969 tỷ đồng (tăng 5,8% số lượng doanh nghiệp và bằng 97,5% vốn đăng ký so cùng kỳ).

Có 42.922 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 356.497 tỷ đồng.

Trong các ngành, nghề, hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có vốn đăng ký lớn nhất khi chiếm 40,6% tổng vốn đăng ký mới. Tiếp theo là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 14,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,7%; xây dựng chiếm 11%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác chiếm 4,5%.

Không chỉ trong nước, dòng vốn ngoại cũng liên tục chảy vào thị trường bất động sản TP.HCM. Cụ thể, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm, Thành phố có 640 dự án đầu tư nước ngoài cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đạt 558,63 triệu USD (tăng 22,2% số dự án cấp mới và bằng 70% vốn đầu tư so với cùng kỳ).

Trong đó, phân theo ngành nghề/lĩnh vực, thì công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất chiếm 24,5%, tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 23,1%, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 22,4%...

Còn phân theo nhà đầu tư, Hàn Quốc là nhà đầu tư có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 28,6% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là Singapore chiếm 22,2%, Na Uy chiếm 12,5%, Nhật Bản chiếm 9,7%, Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 6,4%...

Ngoài ra, TP.HCM cũng chấp thuận cho 1.912 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 4,14 tỷ USD (so với cùng kỳ, tăng 34,5% về số trường hợp và tăng gấp 2,4 lần về vốn đầu tư).

Đặc biệt, doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần cao nhất cũng đến từ bất động sản như Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng; Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group và Nishi Nippon Railroad (Japan); Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore);

Công ty Tiến Phát hợp tác với Sanyo Home (Japan); Công ty An Gia hợp tác với Creed Group (Japan); Công ty Phúc Khang hợp tác với Mitsubishi Corporation (Japan) và quỹ Genesis Global Capital (Singapore); CII hợp tác với Hongkong Land; Sơn Kim Land hợp tác với Hankyu Hanshin; Capitaland, VinaCapital, Lotte, Dragon Capital...

Trong đó, có thể kể đến các giao dịch lớn như nhà phát triển bất động sản Singapore - Keppel Land chi 11,4 triệu USD để thâu tóm 10% cổ phần của Dự án Saigon Sports City.

Ngoài ra, còn có thương vụ mua lại 24% cổ phần tòa nhà văn phòng Sun Wah Tower trên đường Nguyễn Huệ, TP.HCM của nhà đầu tư Nhật Bản - Nomura Real Estate Asia. Giá trị giao dịch không được công bố, nhưng giới địa ốc cho rằng không hề nhỏ với một dự án nằm trên khu "đất vàng" của Thành phố.

Sức hấp dẫn của bất động sản vẫn lớn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc dòng vốn tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản trong 8 tháng qua đến từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở. Đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, nuớc ta giữ vững ổn định chính trị, kinh tế đang tăng trưởng vững chắc, nhiều doanh nghiệp Việt có năng lực và uy tín thương hiệu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm 50% dân số trong 10 năm tới. Các yếu tố này giúp thị trường bất động sản hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn.

Ngoài ra, ông Châu còn cho rằng, các doanh nghiệp ngành bất động sản trong nước đang dần đứng vững trên thị trường bằng việc chủ động phát triển dòng vốn cho mình.

Dòng vốn tiếp tục đổ bộ mạnh vào thị trường bất động sản TP.HCM trong 8 tháng đầu năm 2018

Cụ thể, năm 2017, số doanh nghiệp địa ốc thành lập mới tăng cao, nhưng bước vào 8 tháng đầu năm 2018, lượng thành lập mới chỉ chiếm 7%, nhưng vốn đăng ký mới lại chiếm 40% tổng vốn đăng ký.

"Cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển tốt trên thị trường bất động sản trong nước. Nhiều thương hiệu đã khẳng định vị thế như Vingroup, Him Lam, Bitexco, Đại Quang Minh, Novaland, Nam Long...", ông Châu đánh giá.

Còn ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, điểm hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại rót tiền vào bất động sản TP.HCM là mức sinh lời cao so với khu vực.

"Tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm bất động sản luôn cao nhất nước, tỷ lệ dự án mới được cấp phép cũng được cho là cao nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, biên độ lợi nhuận cao và hấp dẫn đều ở tất cả các phân khúc như bất động sản cho thuê, văn phòng, khách sạn, công nghiệp. Lợi nhuận không những đang ở mức cao, mà còn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, là thỏi nam châm thu hút lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào TP.HCM", ông Troy Griffiths đánh giá.

Đồng quan điểm này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam nhìn nhận, hiện tại đang là thời điểm chín muồi cho các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào thị trường.

Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, riêng tại TP.HCM, tổng giá trị giao dịch của các dự án bất động sản trong nửa đầu năm nay đã đạt gần 1 tỷ USD, trong khi cả năm 2017 là 1,5 tỷ USD.

"Hiện tại là đỉnh cao của chu kỳ, nên các nhà đầu tư đang tận dụng thời điểm này để bước chân vào thị trường trong nước. Họ sợ nếu không đầu tư ngay trong năm nay, thì sẽ lỡ mất một nhịp", bà Dung đánh giá.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, liên kết, hợp tác với công ty Việt Nam là hình thức dễ nhất giúp các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bất động sản Việt Nam.

Với những lợi ích từ nguồn vốn này, thị trường nên có sự hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc với những đối tác muốn vào Việt Nam có mục đích chiếm lĩnh hoặc làm khuynh đảo thị trường.

"Chính phủ cần có chính sách để xem nhà đầu tư từ nguồn nào thì chúng ta nên hoan nghênh, nguồn nào thì cần hạn chế", ông Hiếu nhận định.

Trước đà rót vốn mạnh của doanh nghiệp ngoại vào thị trường bất động sản, các doanh nghiệp trong nước cũng tăng vốn để tiến hành đầu tư cạnh tranh cùng các doanh nghiệp ngoại. Việc tìm  vốn đã bắt đầu đa dạng hơn, trong đó có việc đua nhau lên sàn chứng khoán của doanh nghiệp địa ốc.

Cụ thể, trong năm 2017, đã có 11 doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán, còn riêng trong 8 tháng đầu năm 2018, đã có trên 5 doanh nghiệp lên sàn là Vinhomes, Netland, Văn Phú Invest, Hải Phát Invest, Đạt Phương, CenLand…

Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp bất động sản lên sàn chứng khoán như Hưng Thịnh Construction…

Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu và tính minh bạch, tạo điều kiện để doanh nghiệp huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục