Vốn ngoại tiếp tục đổ vào bất động sản

(BĐT) - Nhiều nhà đầu tư (NĐT) và chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng về triển vọng thị trường BĐS năm 2018, hứa hẹn sự trở lại đầy sôi động của dòng vốn ngoại.
Với hơn 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam là một quốc gia hấp dẫn với các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Với hơn 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam là một quốc gia hấp dẫn với các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Bất động sản đang trong tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến ngày 20/4/2018, tổng vốn FDI vào BĐS đạt 807,5 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư đăng ký (vốn đăng ký mới là 455,47 triệu USD; vốn góp, mua cổ phần là 224,94 triệu USD; vốn đăng ký tăng thêm là 109,07 triệu USD).

Theo Savills Việt Nam, trong 3 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự tham gia khá mạnh mẽ của các nhà đầu từ đến từ Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc…, trong khi ở thời điểm trước đó, mục tiêu chỉ xoay quanh việc thăm dò, tìm kiếm cơ hội. Đặc biệt, năm 2017 và nửa đầu 2018, hoạt động của các NĐT BĐS trong nước lẫn quốc tế tại thị trường Việt Nam diễn ra khá sôi nổi.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty KPMG chia sẻ: “Trong một năm gần đây, đặc biệt là những tháng đầu năm 2018, KPMG chưa bao giờ bận rộn đến thế. Công ty liên tục tiếp đón các NĐT nước ngoài sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, các NĐT Bắc Á có mức quan tâm rất lớn, nhất là các NĐT Nhật Bản”. TP.HCM là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất.

Qua khảo sát, Nhật Bản đang vươn lên vị trí dẫn đầu. Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/5/2018, Nhật Bản có 67 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 2,337 tỷ USD. Tiêu biểu như Tập đoàn Mitsubishi và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang đã thành lập liên doanh Phúc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) để khai thác, phát triển quỹ đất trị giá hơn 500 triệu USD của Phúc Khang. Hai NĐT khác của Nhật Bản là Hankyo Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác với Công ty CP Đầu tư Nam Long triển khai Dự án Mizuki Park tại Quận 7 với quy mô vốn đầu tư là khoảng 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải kể đến bộ ba Daiwa House - Nomura - Sumitomo hợp tác với Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Sanyo Home với Công ty CP Đầu tư địa ốc Tiến Phát, Mitsubishi bắt tay với Bitexco, Tokyu hợp tác với Tổng công ty Becamex IDC Việt Nam...

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills tại Hà Nội cho rằng, sức hút của thị trường BĐS Việt Nam được cấu thành từ nền tảng vững chắc nhờ vào tình hình kinh tế vĩ mô khả quan, hạ tầng phát triển, có tiềm năng về lợi suất và giá trị vốn cao của các phân khúc.

Bên cạnh đó, theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam, các NĐT nước ngoài, nhất là châu Á, đã quen thuộc với thị trường Việt Nam hơn rất nhiều và đang hướng đến những yếu tố hấp dẫn tại Việt Nam mà các nước khác không sở hữu. Đối với các NĐT, một thị trường BĐS hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ là một cơ hội vô cùng hấp dẫn. Việc ngày càng có nhiều người trẻ với xu hướng mua nhà sau khi lập gia đình hoặc đi làm đã khiến nhu cầu nhà ở gia tăng mạnh, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, tiềm năng cao thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng trở thành một trong những điểm đến của các NĐT nhờ sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định”, ông Khương nhấn mạnh. 

Nắm bắt luồng vốn ngoại

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Sử Ngọc Khương nhận định, trong năm 2018 và thời gian tới, các NĐT nước ngoài sẽ lên kế hoạch và chiến lược đầu tư lâu dài để củng cố vị thế và tối đa hóa giá trị cho mình tại thị trường BĐS Việt Nam, cả đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các hoạt động M&A). Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư thời gian qua, sau khi tích lũy được đầy đủ kinh nghiệm sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam với hy vọng nới rộng biên lợi nhuận.

Ông Nguyễn Công Ái cho biết, khác với trước đây, NĐT nước ngoài đang có xu hướng mua lại cổ phần của các công ty hoặc mua lại một phần tại dự án đã hoàn chỉnh các thủ tục với cơ quan nhà nước, sau đó thành lập liên doanh. Họ liên doanh một cách thực chất, thay vì thành lập liên doanh với một doanh nghiệp trong nước, sau một thời gian thì mua lại cổ phần và biến liên doanh thành công ty 100% vốn nước ngoài.

Để nắm bắt cơ hội này, mở lối cho NĐT ngoại, một số chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần phải hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thông tin minh bạch, nhất quán và có quy hoạch rõ ràng về các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư cùng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phù hợp. Ông Nguyễn Công Ái khuyến nghị, mối quan ngại lớn nhất của NĐT ngoại chính là việc thay đổi luật pháp, chính sách. Do đó, việc duy trì ổn định pháp luật, chính sách trong thời gian dài là rất quan trọng trong việc giữ chân NĐT.

Về phía doanh nghiệp nội, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc KOSY Group cho rằng, việc hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng với các NĐT nước ngoài là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn cho mình những lợi thế khác biệt cả về mục tiêu chiến lược phát triển, bộ máy nhân sự, minh bạch thông tin...

Tin cùng chuyên mục