Cần chế tài mạnh hơn đối với chủ đầu tư

(BĐT) - Mắt xích quan trọng đầu tiên trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản là chủ đầu tư, nhưng trên thực tế vai trò của chủ đầu tư trong nhiều trường hợp vừa không rõ ràng, vừa yếu kém về mặt năng lực và thiếu ràng buộc về trách nhiệm. 
Mấy năm gần đây, các sai phạm thấy rõ hơn, nhiều hơn tập trung ở phía chủ đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Mấy năm gần đây, các sai phạm thấy rõ hơn, nhiều hơn tập trung ở phía chủ đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng nói chung, đấu thầu nói riêng, cần phải tăng trách nhiệm của chủ đầu tư và có chế tài đủ mạnh với hành vi vi phạm.

Tăng chế tài đủ sức răn đe với chủ đầu tư

Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Luật Đấu thầu 2013 đã có rất nhiều tiến bộ so với Luật Đấu thầu 2005, đã thay đổi cơ bản, tháo gỡ nhiều nội dung nhằm đạt được mục tiêu công bằng, công khai, minh bạch trong đấu thầu. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đấu thầu đến nay cho thấy còn những bất cập, trong đó nổi lên các quy định về chế tài xử lý đối với chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, kể cả các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi chức năng theo quy định của Luật Đấu thầu.

“Lâu nay xã hội vẫn nhìn nhận và gắn các lỗi sai phạm là của nhà thầu, nhưng mấy năm gần đây các sai phạm thấy rõ hơn, nhiều hơn tập trung ở phía chủ đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư các gói thầu ở địa phương”, ông Cận nói và dẫn chứng bằng tình trạng nhà thầu không mua được hồ sơ mời thầu (HSMT) với các chiêu cướp hồ sơ dự thầu, hết HSMT chưa in kịp, không tìm được nơi và người bán hồ sơ,… đang diễn ra khá phổ biến với nghìn lẻ một lý do. Khái niệm “quây thầu” không chỉ là hành vi của các nhà thầu mà nay đang là các hành vi khá phổ biến của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, theo ông Cận, tình trạng chỉ định thầu diễn ra phổ biến dù pháp luật về đấu thầu khuyến khích kể cả khi đủ điều kiện chỉ định thầu cũng cần xem xét có đấu thầu được hay không để chuyển sang hình thức đấu thầu cạnh tranh hơn. Tình trạng chỉ định thầu tràn lan, có địa phương có đến 75% tổng số gói thầu được chỉ định thầu, dẫn đến nhiều nhà thầu không có việc làm, chỉ có nhà thầu “ruột” của chủ đầu tư mới được chỉ định thầu.

Để khắc phục các khuyết tật nổi cộm trên, ông Cận cho rằng, mặc dù trong Luật đã có các chế tài xử phạt và Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 47/CT-TTg nhưng vẫn chưa đủ mạnh, nên các hành vi bất chấp pháp luật vẫn tràn lan, cần thiết phải có chế tài mạnh hơn đối với chủ đầu tư và cả người có thẩm quyền. 

Không thể trăm dâu đổ đầu... nhà thầu

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị, cần lấy lại sự công bằng, bình đẳng cho các nhà thầu trong các hợp đồng xây dựng ký với chủ đầu tư về điều khoản bảo lãnh và thanh toán. Cụ thể là trong hợp đồng dân sự về nhận thầu xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, tất cả các điều khoản bảo lãnh thanh toán chỉ bảo vệ cho chủ đầu tư mà phần thiệt chỉ rơi vào các nhà thầu. “Nhà thầu phải có bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng nhưng chủ đầu tư tuyệt nhiên không có ràng buộc gì”, ông Hiệp chia sẻ và kiến nghị, với chủ đầu tư (kể cả vốn ngân sách), cần có bảo lãnh thanh toán cho 30% cuối cùng của hợp đồng với các nhà thầu để tránh nợ đọng xây dựng đang diễn ra rất phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp còn kiến nghị, chủ đầu tư phải bảo lãnh thanh toán đối với 100% giá trị hợp đồng để đảm bảo trách nhiệm đối với công trình, tránh rủi ro cho nhà thầu.

Hiện nay, bảo lãnh thanh toán hợp đồng xây dựng đối với chủ đầu tư thực hiện thông qua các hình thức như kế hoạch bố trí vốn được phê duyệt, bảo đảm của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, hợp đồng cung cấp tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay vốn với các định chế tài chính. Trong hầu hết các dự án xây dựng được đấu thầu, các hình thức bảo lãnh ngân hàng được áp dụng triệt để và bắt buộc đối với nhà thầu (bằng chi phí của nhà thầu) trong tất cả các giai đoạn đấu thầu, ký và thực hiện hợp đồng, nghiệm thu, bảo hành, trong khi đó việc bảo đảm thanh toán hợp đồng của chủ đầu tư đối với nhà thầu chủ yếu bằng kế hoạch bố trí vốn.

Theo ông Vũ Chu Hiền, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, bảo đảm bằng kế hoạch bố trí vốn là rất hình thức, không đủ chặt chẽ, không khả thi khi xảy ra trục trặc trong thanh toán khối lượng công việc đã được nghiệm thu, gây bất lợi cho nhà thầu. Ông Hiền cho rằng cần sửa lại quy định hiện nay theo hướng biện pháp bảo lãnh thanh toán do ngân hàng/tổ chức tín dụng cấp là hình thức áp dụng duy nhất nhằm đảm bảo việc thanh toán được thực thi cũng như sự bình đẳng trong quan hệ hợp đồng xây dựng giữa các bên trong hoạt động xây dựng.

Tin cùng chuyên mục