Đấu thầu là con đường tối ưu cho PPP

(BĐT) - Lãnh đạo UBND TP.HCM cam kết tạo mọi điều kiện để môi trường đầu tư, việc triển khai dự án PPP diễn ra thực sự minh bạch, hiệu quả. Trong đó, Thành phố đặc biệt coi trọng công tác đấu thầu để tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.
UBND TP.HCM cam kết tạo môi trường minh bạch, tăng cường đấu thầu để phát huy nguồn lực triển khai dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
UBND TP.HCM cam kết tạo môi trường minh bạch, tăng cường đấu thầu để phát huy nguồn lực triển khai dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Những con số ấn tượng

Thông tin từ Hội nghị Kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, các tổ chức tín dụng tham gia thực hiện các dự án thuộc 7 chương trình đột phá của TP.HCM, diễn ra ngày 24/8, cho thấy, về đầu tư theo hình thức PPP, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 23 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện 130 dự án khác (hiện đang ở các bước chuẩn bị đầu tư) với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hoạt động đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua tại TP.HCM thực sự ấn tượng. “Số dự án PPP chỉ chiếm tỷ lệ 5% so với số dự án đầu tư công. Nhưng nguồn vốn huy động của các dự án PPP tại TP.HCM có giá trị gấp 5 lần nguồn lực của đầu tư công”, lãnh đạo TP.HCM chia sẻ.

UBND TP.HCM cũng cho biết, lợi thế để phát triển các dự án PPP tại Thành phố là rất lớn vì dư địa tăng trưởng kinh tế của Thành phố được đánh giá là còn lớn, Thành phố luôn coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư và đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước luôn coi Thành phố là điểm đến lý tưởng. 

Đấu thầu, đấu giá là phương thức chủ chốt

“Để các dự án PPP của TP.HCM phát huy đúng giá trị, Thành phố luôn nhận thức rằng, phải coi đấu giá, đấu thầu là phương thức chủ yếu phân bổ các nguồn lực nhằm minh bạch và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các cơ hội đầu tư trên địa bàn Thành phố. Đó là con đường tối ưu để phát huy nguồn lực đầu tư công cũng như của khu vực tư nhân khi triển khai các dự án PPP”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Sử Ngọc Anh cho biết, hiện nay nguồn vốn triển khai dự án PPP chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của dự án. Các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT thường có vòng đời trung bình khoảng từ 15 - 20 năm, chưa phù hợp với chính sách cho vay của ngân hàng thường là cho vay vốn ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế giám sát, phối hợp 3 bên giữa nhà đầu tư, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến không đảm bảo bên cho vay kiểm soát được tính xác thực, khả thi trong quá trình vận hành dự án như kiểm soát doanh thu, chi phí, lợi nhuận, nhằm kịp thời đưa ra các phương án điều chỉnh liên quan đến kế hoạch cho vay dự án.

Về phía nhà đầu tư, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM Phạm Phú Quốc nhận xét, hiện nay, lãi suất cho vay trung bình đối với các dự án PPP từ phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng là cao hơn so với mức lãi suất vốn vay theo quy định của Bộ Tài chính, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư trong việc xác định phương án tài chính dự án, tính khả thi triển khai dự án.

“Đồng thời với cam kết tạo môi trường minh bạch, tăng cường đấu giá, đấu thầu để phát huy nguồn lực khi triển khai các dự án PPP, TP.HCM sẽ đẩy mạnh, tăng cường hợp tác 3 bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và các ngân hàng, tổ chức tín dụng để đảm bảo sự đồng hành của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư trong hỗ trợ cho vay vốn triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, phù hợp quy định pháp luật”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục