Gian nan chọn nhà đầu tư Nhà máy Xử lý rác Phú Sơn

(BĐT) - Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đang trong tiến trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Xử lý rác Phú Sơn (Thừa Thiên Huế) sẽ được chọn thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển. Ảnh minh họa: Yến Minh
Nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Xử lý rác Phú Sơn (Thừa Thiên Huế) sẽ được chọn thông qua đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển. Ảnh minh họa: Yến Minh

Dự án có tổng chi phí thực hiện là 600 tỷ đồng. Nhà máy sẽ đặt tại xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích đất sử dụng là 25 ha.

Một nguồn tin cho Báo Đấu thầu biết, đã có 10 nhà đầu tư quan tâm và đề xuất nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn cho dự án này như: công nghệ kết hợp quá trình nhiệt phân, thủy phân và hóa lỏng trực tiếp các-bon D4, sản phẩm đầu ra bao gồm điện, xăng sinh học, dầu diezen, quặng các-bon; công nghệ MBT-GRE xử lý, tái chế và chuyển hóa thành năng lượng tái tạo; công nghệ xử lý rác thành viên nén năng lượng sử dụng công nghệ nhiệt phân sạch; công nghệ gasification đốt rác phát điện; công nghệ plasma; công nghệ xử lý không đốt và không chôn lấp, tái chế 100% sản phẩm đầu ra gồm phân vi sinh, hạt nhựa, gạch, kim loại và khí đốt…

Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi thông báo mời quan tâm đến các nhà đầu tư.

Liên quan đến việc đổi chủ đầu tư Nhà máy trước đây, nguồn tin trên cho biết, năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Môi trường An Phát (TP. Huế) đầu tư vào lĩnh vực chế biến rác thải tại khu vực Phú Sơn. Đây là công ty con của Công ty CP Tập đoàn An Phát (Hà Nội). Đầu năm 2012, Công ty này đã tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy với công suất 500 tấn rác thải/ngày, bao gồm 18 hạng mục với tổng chi phí đầu tư khoảng 900 tỷ đồng... An Phát cũng cam kết hoàn thành, đưa Nhà máy đi vào hoạt động vào đầu quý IV/2012.

Tuy nhiên, đến năm 2014, có thông tin An Phát đã chuyển nhượng Dự án cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hải Vân và Dự án được đổi tên thành Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ Bioplasma. Đến nay, Dự án vẫn chỉ là “chiếc bánh vẽ” nằm trên giấy, mà chưa được triển khai trên thực tế. Sau một thời gian “án binh bất động”, vi phạm pháp luật về đầu tư, nên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động của Dự án đối với Công ty TNHH Môi trường An Phát (Công văn số 2321/UBND-XTĐT ngày 27/4/2016).

Mặc dù xác nhận có sự việc Công ty TNHH Môi trường An Phát bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng một cán bộ của Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế lại phủ nhận thông tin mua bán, chuyển nhượng giữa hai công ty này. Vị cán bộ này cho biết, thông tin Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hải Vân mua lại dự án này là chưa chính xác. Thực tế, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hải Vân mới chỉ có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ Bioplasma với công suất 300 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, nhà đầu tư này chưa được UBND Tỉnh chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của Dự án trong thời gian qua, và để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, vị cán bộ nêu trên cho biết, UBND Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức lựa chọn nhà đầu tư một cách công khai, minh bạch bằng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển. Trước tiên là ưu tiên lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp, tiếp đó mới xem xét, đánh giá về năng lực tài chính của nhà đầu tư thông qua đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục