Gói thầu Xây lắp hệ thống chiếu sáng tại Quảng Trị: Bên mời thầu lên tiếng

(BĐT) - Bên mời thầu (BMT) - Ban Quản lý Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông Quảng Trị (BQLDA GMS) vừa có văn bản trả lời Đơn kiến nghị của 2 nhà thầu là Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp và Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Geotech Việt Nam về việc nhà thầu trúng thầu có đủ năng lực hay không.
Bên mời thầu Gói thầu Xây lắp hệ thống chiếu sáng Quảng Trị đã kiểm tra, đối chiếu năng lực nhà thầu trước khi ký hợp đồng. Ảnh: Tiên Giang
Bên mời thầu Gói thầu Xây lắp hệ thống chiếu sáng Quảng Trị đã kiểm tra, đối chiếu năng lực nhà thầu trước khi ký hợp đồng. Ảnh: Tiên Giang

Bên mời thầu đã kiểm tra năng lực của nhà thầu

Liên quan đến gói thầu nêu trên, từ tháng 3/2018 đến nay, Báo Đấu thầu đã nhận được 2 đơn kiến nghị cho rằng, Liên danh Công ty CP Cơ sở hạ tầng - Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh (trúng thầu lần 2) và Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô Việt Nam (trúng thầu lần 3) đều không đủ năng lực để trúng thầu. Các kiến nghị này đã được Báo Đấu thầu phản ánh qua các bài viết “Liên danh Cơ sở hạ tầng - Trường Thịnh trúng thầu hệ thống chiếu sáng tại Quảng Trị” phát hành ngày 1/3/2018; “Nhà thầu vừa trúng đã bị tố” phát hành ngày 7/3/2018; “Dấu hỏi về năng lực của bên mời thầu” phát hành ngày 4/6/2018.

Phản hồi các kiến nghị này, tại Văn bản số 284/GMS-KT và Văn bản số 126/GMS-KT, BQLDA GMS đều khẳng định: “Các tiêu chí yêu cầu về năng lực tài chính, hợp đồng có quy mô và tính chất tương tự đã được BMT xem xét, đánh giá một cách khách quan trên cơ sở hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt. Hồ sơ dự thầu (HSDT) và các tài liệu làm rõ HSDT của nhà thầu đảm bảo các quy định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Luật Đấu thầu của Việt Nam”.

Trong quá trình đánh giá HSDT, BQLDA GMS cho biết: “BMT đã yêu cầu nhà thầu cung cấp các bản gốc để đối chiếu như báo cáo tài chính đã được kiểm toán, văn bản xác nhận nộp thuế các năm 2014, 2015 và 2016, hóa đơn VAT chứng minh doanh thu xây dựng, hợp đồng thi công công trình tương tự, hóa đơn VAT các lần thanh toán, biên bản nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng. Trước khi ký kết hợp đồng, BMT cũng đã yêu cầu nhà thầu cung cấp bản gốc để đối chiếu và kiểm tra lại một lần nữa. Kết quả kiểm tra, đối chiếu đều phù hợp với HSDT đã nộp và các nội dung làm rõ của nhà thầu”. 

Hơn 2 năm, 3 lần phải “thay ngựa giữa đường”

Theo Biên bản mở thầu ngày 20/10/2017 mà BQLDA GMS cung cấp, có 6 nhà thầu tham dự Lễ mở thầu, gồm có: Liên danh Công ty CP Lilama 7 - Công ty CP Điện chiếu sáng Hải Phòng; Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị - Công ty TNHH Việt Tâm; Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy - Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư xây dựng Hoàn Kiếm - Công ty Xây lắp điện Đà Nẵng; Công ty CP Cơ sở hạ tầng - Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô; Công ty CP Điện tử chuyên dụng Hanel.

Trong đó, sau khi giảm giá, Liên danh Công ty CP Cơ sở hạ tầng - Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh có giá chào thầu thấp nhất (58,38 tỷ đồng), tiếp đó là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (63,31 tỷ đồng), tương ứng với mức giảm lần lượt là 26,68% và 19,68% so với giá gói thầu (78,827 tỷ đồng).

Tuy nhiên, gói thầu này đã phải thay nhà thầu tới 3 lần. Lần thứ nhất là Liên danh Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị - Công ty TNHH Việt Tâm (Quyết định số 118/QĐ-SKH-DA ngày 24/5/2017), nhưng sau khi xem xét lại, kết quả lựa chọn nhà thầu này bị hủy do nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ. Nhà thầu được lựa chọn thay thế là Liên danh Công ty CP Cơ sở hạ tầng - Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh. Và nay là lần thứ ba, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô Việt Nam được chọn trúng thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay vẫn là tiến độ và chất lượng, bởi đã hơn 2 năm trôi qua mà Gói thầu vẫn giẫm chân tại chỗ, chưa thể triển khai thực hiện. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc rốt ráo hơn nữa để lựa chọn được nhà thầu thực sự có đủ năng lực khiến các nhà thầu và dư luận “tâm phục khẩu phục”, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Thậm chí, nếu BMT không đủ năng lực thì có thể tính tới việc “đổi chủ”. Về phía nhà thầu kiến nghị, nếu có thông tin và bằng chứng thuyết phục thì cần cung cấp ngay cho các cơ quan chức năng để vụ việc sớm được giải quyết, tránh “tung hỏa mù”, gây ra sự giằng co kéo dài, ảnh hưởng đến Gói thầu và các đối tượng thụ hưởng.

Tin cùng chuyên mục