Năm nhiều niềm tin dành cho hoạt động đấu thầu

(BĐT) - Năm 2018 có rất nhiều hoạt động sôi nổi về đấu thầu được ghi nhận với những sắc thái tươi mới. Cùng Báo Đấu thầu điểm lại những nốt vui buồn của 365 ngày liên quan đến công tác đấu thầu.
Chỉ thị số 47/CT-TTg đã chỉ ra rất nhiều bất cập và yêu cầu thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng tiêu cực trong đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên
Chỉ thị số 47/CT-TTg đã chỉ ra rất nhiều bất cập và yêu cầu thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng tiêu cực trong đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

“Địa chấn” mang tên Chỉ thị số 47/CT-TTg

Nếu có thể lựa chọn từ khóa được các nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đề cập nhiều nhất trong năm 2018, chắc chắn sẽ là “Chỉ thị số 47 của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác đấu thầu”.

Chỉ thị số 47/CT-TTg (Chỉ thị 47) của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 27/12/2017, ngay sau đó niềm tin của nhà thầu được củng cố mạnh mẽ trước động thái quyết liệt này của người đứng đầu Chính phủ. Năm 2017, một nhà thầu tại Kiên Giang thậm chí đã phải thốt lên: “Bây giờ có nhiều chủ đầu tư đáng sợ đến mức phải đợi nhà thầu có văn bản kiến nghị, phản ánh lên người có thẩm quyền mới chịu bán hồ sơ mời thầu (HSMT)”. Nhưng năm 2018, khi trao đổi câu chuyện này với Báo Đấu thầu, nhà thầu đã rất hân hoan: “Hoàn toàn không còn câu chuyện đó diễn ra tại đây. Chỉ thị 47 của Thủ tướng thực sự như một “thượng phương bảo kiếm” khiến người người truyền tai nhau để đi vào nề nếp”.

Chỉ thị 47 chắc chắn đã có tác động rất lớn, đem lại một môi trường cạnh tranh, bình đẳng và công khai cho công tác đấu thầu trong năm 2018. Chỉ thị này đã buộc các chủ đầu tư/bên mời thầu thực sự phải chấn chỉnh lại cách làm việc, các hành xử lâu nay với nhà thầu trong khâu đầu tiên - quá trình công bố thông tin, phát hành hồ sơ. Có thể nói, Chỉ thị 47 đã chỉ ra rất nhiều bất cập và yêu cầu thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu. Và để thực hiện nghiêm chỉ thị này, các cơ quan quản lý đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương đã thực sự nhập cuộc, lắng nghe tiếng nói của các nhà thầu nhằm nắm bắt kịp thời, từng bước xử lý các hiện tượng tiêu cực trong đấu thầu.   

Nhiều bộ, ban ngành và địa phương đã có sự đồng thuận triển khai quyết liệt Chỉ thị 47 như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính; UBND Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Thọ, Quảng Bình, Cà Mau, Hậu Giang, Tuyên Quang… Phần đông tại các địa phương này, hiện tượng kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu đã giảm hẳn so với trước. 

Đấu thầu qua mạng lan tỏa mạnh mẽ

Tỉnh Kiên Giang đã có nhiều gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng. Có được điều này là nhờ sự mạnh dạn, tự phá bỏ rào cản của chính các bên mời thầu lẫn nhà thầu. Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty Tư vấn Triệu Xuân Thịnh, một đơn vị tư vấn đấu thầu cho biết, áp dụng đấu thầu qua mạng có rất nhiều lợi ích và hiệu quả. “Do đó, chúng tôi tăng cường tham mưu cho các chủ đầu tư nên áp dụng đấu thầu qua mạng cho những gói thầu có quy mô, tính chất phù hợp. May mắn, các nhà thầu cũng đồng thuận tham gia. Do đó, nhiều gói thầu tại Kiên Giang đã áp dụng thành công hình thức này”.

Thống kê của Cục Quản lý đấu thầu cho thấy, đã có nhiều địa phương nhập cuộc mạnh mẽ với đấu thầu qua mạng. Đó là TP. Đà Nẵng - địa phương dẫn đầu với  260 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, đạt tỷ lệ áp dụng là 33%. Đáng ca ngợi hơn là các tỉnh thuộc diện khó khăn về hạ tầng mạng như Sơn La, Hòa Bình, Kiên Giang… nằm trong nhóm những địa phương đi đầu về đấu thầu qua mạng. Tỉnh Sơn La thực hiện đấu thầu qua mạng 170 gói thầu, đạt tỷ lệ áp dụng là 22%; Hòa Bình thực hiện đấu thầu qua mạng 90 gói, đạt tỷ lệ áp dụng là 19%...

Tại những đơn vị không có nhiều cán bộ chuyên trách về đấu thầu như các trường học, bệnh viện cũng đang áp dụng đấu thầu qua mạng ngày càng nhiều gói thầu. Đại học Tài chính - Marketing (TP.HCM) cho biết, đơn vị này đã mạnh dạn áp dụng đấu thầu qua mạng cho những gói thầu mua sắm hàng hóa giá trị trên 2 tỷ đồng. Theo các nhà thầu, đây là nỗ lực lớn của những bên mời thầu nói trên, bởi nếu không có sự quyết tâm thì “sức ì” trong triển khai đấu thầu qua mạng còn rất lớn.

Thống kê của Cục Quản lý đấu thầu cũng cho thấy, nhiều gói thầu qua mạng thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà thầu lại đến từ những địa phương xa xôi như: Gói số 2 Thiết bị đồ gỗ - đồ sắt - đồ dùng dạy học và thiết bị khác do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long làm bên mời thầu (đã thu hút 12 nhà thầu tham gia). Hay như Gói thầu Cung cấp máy vi tính phục vụ công tác năm 2018 do Công ty TNHH MTV Tổng công ty Phát điện 3 mời thầu đã thu hút 11 nhà thầu tham gia…

Thống kê sơ bộ đối với những gói thầu đấu thầu qua mạng có từ 4 nhà thầu trở lên tham gia cho thấy, có 120/501 gói thầu mua sắm hàng hóa (chiếm tỷ lệ 24%); có 63/467 gói thầu xây lắp (chiếm tỷ lệ 13,5%); 19/103 gói thầu tư vấn (chiếm tỷ lệ 18,4%) và 13/138 gói thầu dịch vụ phi tư vấn (chiếm tỷ lệ 9,4%). 

Vẫn còn những “bức tường “

Năm 2018, xét nhiều khía cạnh, vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương giữ sức ì trong nỗ lực chấn chỉnh công tác đấu thầu nói chung và áp dụng đấu thầu qua mạng nói riêng. Nhiều địa phương gần như không có động thái hoặc chậm trễ trong thực hiện Chỉ thị 47. Đáng buồn hơn, đây lại chính là những địa phương xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại về đấu thầu nhiều.

Đặc biệt, có những địa phương, tình trạng kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu kéo dài, liên tục, thường xuyên nhưng lại không nhận được câu trả lời của các bên liên quan. “Sự thờ ơ, vô cảm cũng như cách làm việc không tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu khiến niềm tin của nhà thầu phần nào bị lung lay. Nếu việc kiến nghị hợp pháp của nhà thầu không được giải quyết dứt điểm, môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của địa phương sẽ bị ảnh hưởng”, một nhà thầu nói.

Tại nhiều địa phương, người có thẩm quyền cũng như cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu gần như đứng ngoài cuộc trước những kiến nghị chính đáng của nhà thầu. Do đó, tình trạng đơn kiến nghị vượt cấp, gửi nhiều địa chỉ vẫn không thuyên giảm.

Tình trạng “giơ cao đánh khẽ” vẫn còn tồn tại trong việc thực thi pháp luật về đấu thầu. Nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu để xảy ra sai phạm nhưng vẫn chưa bị xử lý thích đáng, đủ sức răn đe. Do đó, kỷ cương trong đấu thầu tại một số nơi vẫn còn bị xem nhẹ.

Tin cùng chuyên mục