Soi kết quả đấu thầu của các “ông lớn”: Tiết kiệm ít, vẫn thích chỉ định thầu

(BĐT) - Mặc dù chỉ định thầu là hình thức không có tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đạt thấp, nhưng qua báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2015 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TCT) cho thấy, hình thức này vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, áp đảo so với các hình thức đấu thầu khác.
Năm 2015, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chỉ định thầu trên 4.500 gói thầu. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2015, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chỉ định thầu trên 4.500 gói thầu. Ảnh: Lê Tiên

Số lượng gói thầu được chỉ định thầu rất lớn

Điển hình cho tình trạng chỉ định thầu áp đảo các hình thức lựa chọn nhà thầu khác là ở TCT Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Năm 2015, Công ty mẹ TCT này tổ chức 3 gói thầu thì cả 3 gói thầu đều được chỉ định thầu. Tương tự, Công ty CP Cảng Chân Mây (đơn vị thành viên của TCT Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam), năm 2015, công ty này triển khai lựa chọn nhà thầu cho 15 gói thầu thì có đến 12 gói thầu được chỉ định thầu (chiếm 80% số lượng gói thầu), 3 gói thầu còn lại dành cho 3 hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chào hàng cạnh tranh.

Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu của Đài Tiếng nói Việt Nam  cho biết, năm 2015 đơn vị này tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 151 gói thầu, và trong đó, hình thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng chủ yếu vẫn là chỉ định thầu. Chỉ định thầu cũng được áp dụng phổ biến hơn các hình thức lựa chọn nhà thầu khác tại TCT Lương thực miền Nam, TCT Thép Việt Nam trong năm qua.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho thấy, năm 2015, số lượng gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu của EVN vẫn chiếm phần lớn trong số gói thầu thực hiện (hơn 43%), dù đã giảm so với năm 2014 (chiếm hơn 50%). Theo EVN thì việc áp dụng hình thức chỉ định thầu giảm một phần là do quy định tại Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã hạn chế áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Tương tự, kết quả đấu thầu năm 2015 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng cho thấy số lượng gói thầu được chỉ định thầu chiếm tỷ lệ rất lớn: Có 754 gói thầu được chỉ định thầu trong tổng số 1.494 gói thầu, chiếm 50,5%. Ở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tỷ lệ gói thầu được chỉ định thầu năm 2015 là 46%, nghĩa là trên 4.500 gói thầu của tập đoàn này được chỉ định thầu (tổng số gói thầu triển khai của Tập đoàn năm 2015 là 9.975 gói thầu). 

Tỷ lệ tiết kiệm đạt thấp

Minh chứng cho tỷ lệ tiết kiệm của chỉ định thầu đạt thấp là kết quả tiết kiệm từ chỉ định thầu năm 2015 của Công ty mẹ TCT Công nghiệp Tàu thủy. Như đã nêu ở trên, trong năm 2015, công ty mẹ TCT này chỉ triển khai có 3 gói thầu nhưng cả 3 gói thầu này đều được chỉ định thầu. Tổng giá 3 gói thầu là 1.815 triệu đồng, tổng giá chỉ định thầu là 1.813,401 triệu đồng, tiết kiệm gần 1,6 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm “siêu thấp” là chưa đầy 0,1%.

Ở Đài tiếng nói Việt Nam, năm 2015, thông qua chỉ định thầu, đơn vị này  tiết kiệm được 86 triệu đồng, trong khi tổng giá của 151 gói thầu mà đơn vị này triển khai trong năm qua lên tới hơn 399 tỷ đồng.

Báo cáo của EVN cũng cho biết, năm 2015, hình thức đấu thầu không có tính cạnh tranh như chỉ định thầu tại tập đoàn này có tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt 7,8%. Trong khi tỷ lệ tiết kiệm trung bình qua đấu thầu tại EVN là 17,6%, qua đấu thầu rộng rãi đạt 19,5% và tự thực hiện đạt tỷ lệ tiết kiệm 11%.

Kết quả tiết kiệm từ chỉ định thầu của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thấp hơn so với các hình thức khác. Năm 2015, tổ hợp công ty mẹ - công ty con của tập đoàn này tổ chức thực hiện 1.987 gói thầu. Tổng giá gói thầu là 13.683.727 triệu đồng. Tổng giá trúng thầu là 12.762.518 triệu đồng. Tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu đạt 6,73% (trong đó tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu rộng rãi đạt 7,99%, đấu thầu hạn chế đạt 14,4%, chào hàng cạnh tranh đạt 4,11%, chỉ định thầu đạt 2,75% - chỉ bằng 1/3 so với hình thức đấu thầu rộng rãi).

Tin cùng chuyên mục