Thực hiện hợp đồng mua thuốc trúng thầu tập trung: Nhiều nơi đạt tỷ lệ thấp

(BĐT) - Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế vừa có báo cáo tình hình thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc Danh mục đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia (ĐTTTTQG) quý I/2019.
Tính đến 31/3/2019, có 31/59 Sở Y tế và 10/22 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có tỷ lệ thực hiện kết quả trúng thầu mua thuốc tập trung đạt dưới 31,25%. Ảnh: Nhã Chi
Tính đến 31/3/2019, có 31/59 Sở Y tế và 10/22 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có tỷ lệ thực hiện kết quả trúng thầu mua thuốc tập trung đạt dưới 31,25%. Ảnh: Nhã Chi

Theo đó, tính đến ngày 31/3/2019, có 31/59 Sở Y tế tỉnh/thành phố và 10/22 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có tỷ lệ thực hiện kết quả trúng thầu thấp so với giá trị trúng thầu được phân bổ (dưới 31,25%). Đáng lưu ý, có 15 đơn vị có giá trị phân bổ trên 5 tỷ đồng, nhưng có tỷ lệ thực hiện thấp (dưới 31,25%).

Đơn cử như tại miền Bắc có Sở Y tế Hải Phòng và các bệnh viện: Bạch Mai, Đại học Y Hải Phòng, Phụ sản Trung ương. Tại miền Trung có các Sở Y tế: Đà Nẵng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam và Bệnh viện C Đà Nẵng. Tại miền Nam có các Sở Y tế: Đồng Nai, Bến Tre, Kiên Giang và các bệnh viện: Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ.

Xét theo gói thầu, giá trị thực hiện của các gói thầu cung cấp 5 thuốc thuộc Danh mục ĐTTTTQG cho các cơ sở y tế năm 2018 - 2019 đạt hơn 1.044 tỷ đồng/2.334 tỷ đồng (44,75%). Các gói thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục ĐTTTTQG cho các cơ sở y tế năm 2019 - 2020 là 156,515 tỷ đồng/6.779 tỷ đồng (2,31%). Các gói thầu cung cấp 4 thuốc thuộc Danh mục Đàm phán giá là 78,087 tỷ đồng/2.420 tỷ đồng (3,23%).

Theo thông báo của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, thời gian thực hiện thỏa thuận khung của các gói thầu cung cấp thuốc generic thuộc Danh mục ĐTTTTQG năm 2018 (gói thầu số 2, 3, 4, 5, 6, 7) là kể từ ngày ký đến hết ngày 30/6/2021. Thời gian thực hiện hợp đồng giữa các cơ sở y tế và nhà thầu là 24 tháng (từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 30/6/2021).
Xét theo từng hoạt chất của kết quả ĐTTTTQG cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế năm 2018 - 2019, tỷ lệ thực hiện thuốc Anastrozol 1mg cao nhất (64,7%), thuốc Paclitaxel 100mg thấp nhất (26,75%), trong đó Paclitaxel 100mg nhóm 2+5 có tỷ lệ thực hiện 5 quý chỉ đạt 10%, Paclitaxel 100mg nhóm 3 có tỷ lệ thực hiện 1 quý đạt 1,7%. Tỷ lệ thực hiện của Docetaxel 80mg, Capecitabin 500mg, Oxaliplatin 100mg lần lượt là 43,4%; 47,83% và 47,05%.

Còn xét theo từng nhóm thuốc, biệt dược gốc chiếm tỷ lệ thực hiện cao nhất, sau đó đến thuốc generic nhóm 1. Các thuốc generic nhóm 2, 3, 5 đều có tỷ lệ thực hiện thấp hơn 31,25% (trừ Capecitabin 500mg nhóm 3+5).

Đảm bảo thực hiện kết quả trúng thầu thuộc Danh mục ĐTTTTQG cân đối giữa các nhóm thuốc và theo đúng quy định, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đề nghị các đơn vị tăng cường sử dụng các nhóm thuốc hiện đang có tỷ lệ sử dụng thấp hơn các nhóm khác gồm: Anastrozol 1mg nhóm 3+5; Capecitabin 500mg nhóm 2; Docetaxel 80mg nhóm 2+5; Oxaliplatin 100mg nhóm 1, 2, 3, 5; Paclitaxel 100mg các nhóm.

Các đơn vị có hoạt chất đã thực hiện trên 80% hoặc dưới 31,25% số lượng phân bổ chủ động tra cứu thông tin tại Phụ lục 1 file báo cáo thực hiện kết quả ĐTTT cấp quốc gia để lập kế hoạch điều tiết thuốc đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị.

Riêng đối với các gói thầu cung cấp thuốc generic thuộc Danh mục ĐTTTTQG năm 2018 (gói thầu số 2, 3, 4, 5, 6, 7), thời gian thực hiện các thỏa thuận khung là kể từ ngày ký đến hết ngày 30/6/2021. Thời gian thực hiện hợp đồng giữa các cơ sở y tế và nhà thầu: 24 tháng (từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 30/6/2021).

Trung tâm cũng lưu ý, trong trường hợp cần thiết, các cơ sở y tế và nhà thầu thỏa thuận thời gian thực hiện hợp đồng trước ngày 01/7/2019 và hợp đồng có hiệu lực trong vòng 24 tháng kể từ ngày ký.

Tin cùng chuyên mục