Thực thi các chính sách pháp luật về đấu thầu: Con người là yếu tố then chốt

(BĐT) - Thực tế cho thấy, con người đóng vai trò then chốt, trực tiếp quyết định tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách pháp luật nói chung và về đấu thầu nói riêng, bởi pháp luật dù có quy định đầy đủ đến đâu mà không có người thực hiện hoặc không thực hiện thì cũng sẽ khó phát huy trong cuộc sống.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Tổng hợp báo cáo của nhiều địa phương, bộ ngành về công tác đấu thầu năm 2017 cho thấy, năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều sai sót trong đấu thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Ninh Bình cho biết, năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế, nhất là các chủ đầu tư cấp xã, thị trấn, nên ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Còn Sở KH&ĐT Phú Thọ cho biết, ở địa phương này vẫn còn tình trạng một số hồ sơ đề xuất (HSĐX), hồ sơ dự thầu (HSDT) không đáp ứng theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu (HSYC), hồ sơ mời thầu (HSMT), nhưng tổ chuyên gia đấu thầu vẫn chấm đạt. Hầu hết các gói thầu cấp xã làm chủ đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo quy định. Tổ chuyên gia đấu thầu không tuân thủ theo quy định, vừa làm công tác lập HSYC vừa làm công tác thẩm định. Nhiều chủ đầu tư không tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Nhiều địa phương trong cả nước cũng thừa nhận, năng lực của một số đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, bên mời thầu còn hạn chế nên chất lượng HSMT còn thấp, có nhiều sai sót, không phản ánh đúng các yêu cầu của gói thầu; nặng về quy định các tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm, ít quan tâm đến vấn đề kỹ thuật và các điều khoản của hợp đồng. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, bên mời thầu chấp hành chưa nghiêm túc các quy định pháp luật về đấu thầu, không đăng tải thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, HSMT đưa ra tiêu chí bất hợp lý, làm khó nhà thầu tham gia…

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, cơ cấu giữa các ngành, nghề, lĩnh vực chưa thật sự hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, các ngành; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…
Với quá trình quan sát nhiều vụ việc, phóng viên Báo Đấu thầu nhận thấy, có một thực tế khá phổ biến là tình trạng chủ đầu tư/bên mời thầu phớt lờ kiến nghị của nhà thầu hoặc giải quyết qua quýt và né tránh, vô cảm với những nghi vấn tiêu cực đang trở thành căn bệnh trầm kha, khó chữa, tồn tại “nhức nhối” trong hoạt động đấu thầu của cả nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kiến nghị của nhà thầu đi vào “ngõ cụt” phần lớn do nhiều cơ quan có trách nhiệm không xử lý nghiêm, hoặc xử lý chiếu lệ nên quyền lợi chính đáng của nhà thầu dù đã được quy định đầy đủ song không được thực hiện nghiêm túc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng – nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, các khuôn khổ pháp lý và chế tài xử lý các vi phạm trong đấu thầu hiện khá đầy đủ và toàn diện, các điều kiện quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ làm công tác đấu thầu cũng được quy định cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hàng loạt trường hợp cán bộ không làm tròn trách nhiệm của mình đối với công tác đấu thầu. Nguyên nhân của thực trạng này có thể là do không nhận thức được (hạn chế về năng lực), có thể nhận thức được nhưng không làm (thiếu trách nhiệm với công việc được giao). Và khi không làm hay làm một cách chiếu lệ thì cũng chẳng mấy khi bị xử lý một cách nghiêm minh và đúng với mức độ sai phạm, nên không đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Nhìn một cách tổng thể thì nguyên nhân sâu xa là Việt Nam vẫn thiếu những con người chuyên nghiệp trong đấu thầu, chuyên nghiệp trong việc thực hiện công việc, thực thi trách nhiệm và ý thức rõ, làm tròn trách nhiệm của mình đối với công việc được giao, chuyên nghiệp trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm và kiểm soát lẫn nhau để nâng cao trách nhiệm của từng vị trí công việc trong đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục