Xin “lệnh khẩn cấp” để chỉ định thầu

(BĐT) - Gần đây, rất nhiều địa phương, đơn vị “đua nhau” làm công văn trình Thủ tướng xin áp dụng “cơ chế đặc biệt” trong đấu thầu. Trong đó có các trường hợp xin thực hiện công trình theo “lệnh khẩn cấp, cấp bách”… để  áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Xin “lệnh khẩn cấp” để chỉ định thầu

Liên quan đến chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu quy định rõ các trường hợp áp dụng chỉ định thầu, trong đó có: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách...

Với quy định nêu trên, trong trường hợp cấp bách, các địa phương, đơn vị có thể thực hiện ngay việc chỉ định thầu mà không phải chờ “xin” cho chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều trường hợp vẫn xin được áp dụng cơ chế đặc biệt với lý do cấp bách và không ít trường hợp sau khi được Thủ tướng cho phép áp dụng “cơ chế đặc biệt” lại quay về vận dụng quy trình tương tự như chỉ định thầu để triển khai dự án. Việc xin áp dụng triển khai dự án theo lệnh khẩn cấp, cấp bách để rồi lòng vòng quay lại chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro về đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Do đó, có những ý kiến bày tỏ sự quan ngại về vấn đề đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật về đấu thầu trong việc vận dụng cơ chế đặc thù nêu trên. Việc áp dụng cơ chế này trong một số ít trường hợp cấp bách là cần thiết, song phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu để tránh tình trạng lợi dụng lý do “cấp bách” dẫn đến “phá rào”, không đảm bảo thượng tôn pháp luật.

Bình luận về hiện tượng nêu trên, một chuyên gia cho rằng, phạm vi, đối tượng, các trường hợp được chỉ định thầu đã được quy định chi tiết trong Luật Đấu thầu. Từ khi Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành, người có thẩm quyền quyết định việc chỉ định thầu theo đúng quy định của Luật. Việc quyết định chỉ định thầu phải trên cơ sở phạm vi, đối tượng đã quy định trong Luật và người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Cũng theo quy định thì không còn chuyện trình Thủ tướng Chính phủ xin chỉ định thầu.

Do đó, vị chuyên gia nêu trên nhấn mạnh, trong việc vận dụng cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các công trình, dự án dù có đặc thù hay không, vấn đề thực hiện đúng quy định của pháp luật là yêu cầu tối thượng. Còn việc vận dụng quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu 2013.

Nhiều chuyên gia khác cũng khẳng định, chỉ định thầu thuộc diện khẩn cấp, cấp bách như quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu không phải là trường hợp đặc biệt như quy định tại Điều 26 của Luật. Do đó, cần hiểu đúng về chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, tránh hiện tượng lợi dụng “lệnh khẩn cấp, cấp bách” để chỉ định thầu.

Tin cùng chuyên mục