Chỉ xem xét chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Bạch Đằng

(BĐT) -  Sau khi thẩm định Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi Bạch Đằng tại khu vực Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chủ trương đầu tư Dự án đối với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, vì nhà đầu tư chưa từng đầu tư, khai thác cảng biển.
Phạm vi Dự án chỉ đơn thuần là xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, không bao gồm mục tiêu đầu tư kinh doanh hạ tầng cảng tổng hợp. Ảnh: Ngô Đình Dũng
Phạm vi Dự án chỉ đơn thuần là xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, không bao gồm mục tiêu đầu tư kinh doanh hạ tầng cảng tổng hợp. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm đầu tư kinh doanh, khai thác cảng

UBND tỉnh Quảng Ninh đang hoàn tất hồ sơ báo cáo Bộ KH&ĐT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN, cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi Bạch Đằng tại khu vực Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Theo hồ sơ Dự án, nhà đầu tư Dự án là Công ty TNHH MTV Sửa chữa ô tô Hải Phòng có địa chỉ tại Lô KB2.5, KCN MP Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng. Nhà đầu tư dự kiến thành lập Công ty CP Đầu tư KCN Bạch Đằng để thực hiện Dự án với vốn điều lệ 200 tỷ đồng do Nhà đầu tư góp 100%.

Bộ KH&ĐT cho biết, do Công ty TNHH MTV Sửa chữa ô tô Hải Phòng là nhà đầu tư trong nước; Công ty CP Đầu tư KCN Bạch Đằng chưa được thành lập nên Bộ chưa có cơ sở để xem xét Công ty CP Đầu tư KCN Bạch Đằng là nhà đầu tư thực hiện Dự án. Do đó, Bộ chỉ xem xét thẩm định nhà đầu tư thực hiện Dự án là Công ty TNHH MTV Sửa chữa ô tô Hải Phòng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Nhà đầu tư chưa từng đầu tư, khai thác cảng biển, chưa có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, khai thác cảng. Mặt khác, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, trong phạm vi quy mô Dự án, Nhà đầu tư không trực tiếp đầu tư xây dựng và kinh doanh, khai thác cảng biển, chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến phạm vi tường rào khu đất được quy hoạch để đầu tư xây dựng cảng biển phục vụ cho các nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh, khai thác cảng biển.

Như vậy, Bộ KH&ĐT khẳng định, phạm vi Dự án không bao gồm mục tiêu đầu tư kinh doanh hạ tầng cảng tổng hợp. Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chủ trương đầu tư dự án đối với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, không xem xét mục tiêu xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia. UBND tỉnh Quảng Ninh cần điều chỉnh tên Dự án cho phù hợp. 

Kiểm tra, giám sát tiến độ góp vốn thực hiện Dự án

Theo hồ sơ Dự án, Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 994,29 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 200 tỷ đồng (chiếm 20,1%), vốn huy động từ các tổ chức tín dụng là 794,288 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2017 đã được kiểm toán, Công ty TNHH MTV Sửa chữa ô tô Hải Phòng có vốn chủ sở hữu là 234,55 tỷ đồng (bằng 23,5% tổng mức đầu tư Dự án). Tỷ lệ nợ phải trả (ngắn và dài hạn) trên vốn chủ sở hữu là 69,840 tỷ đồng/234,55 tỷ đồng, bảo đảm khả năng tài chính để thực hiện Dự án.

Liên quan đến nguồn vốn vay thương mại (794,288 tỷ đồng), hồ sơ Dự án thông tin, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Lê Chân, TP. Hải Phòng thông báo tài trợ tín dụng, trong đó Ngân hàng cam kết cung cấp tín dụng để thực hiện Dự án với số tiền là 794,288 tỷ đồng khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Ngân hàng. Do đó, để bảo đảm nguồn vốn vay thương mại cho Dự án, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Nhà đầu tư làm việc với Ngân hàng, cụ thể hóa hợp đồng tín dụng để bảo đảm tính khả thi trong việc huy động vốn cho Dự án như cam kết.

Ngoài ra, UBND Tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát các cam kết của Nhà đầu tư trong quá trình thực hiện Dự án.

Đối với tiến độ thực hiện Dự án, Nhà đầu tư đề xuất thời gian thực hiện Dự án là 50 năm, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2022 (hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 103,3 ha), giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2026 (hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 73,15 ha còn lại).

Qua so sánh các KCN có quy mô tương tự, Bộ KH&ĐT cho rằng, Dự án có quy mô 176,45 ha được đầu tư trong 8 năm là dài, chỉ nên phân kỳ đầu tư tối đa là 5 năm. Do vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Nhà đầu tư rà soát, điều chỉnh tiến độ cho phù hợp và quy định rõ tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn, tiến độ xây dựng hạ tầng để làm cơ sở theo dõi, giám sát sau này.

Tin cùng chuyên mục