Chìa khóa cải thiện giá trị gia tăng hàng xuất khẩu

(BĐT) - Ngày 28/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong điều kiện gia nhập các hiệp định thương mại thế hệ mới”.
Cần tìm nhóm ngành hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để đầu tư trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Ảnh: Lê Tiên
Cần tìm nhóm ngành hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để đầu tư trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (APD) thuộc Bộ KH&ĐT đánh giá, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam rất thấp. Nếu không tìm nhóm ngành có giá trị gia tăng cao để từ đó đề xuất đầu tư thích hợp thì khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu của APD đã báo cáo sơ bộ những kết quả bước đầu về nội dung này. Theo TS. Đào Hoàng Tuấn, đại diện Nhóm nghiên cứu, việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu không phải là hiện tượng ở các quốc gia đang phát triển, mà rất phổ biến ở các quốc gia phát triển, bởi nó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần giải bài toán năng suất lao động. Ảnh hưởng của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu đến tăng trưởng kinh tế ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy tỷ lệ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo TS. Đào Hoàng Tuấn, Việt Nam được đánh giá là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là gia nhập các FTA thế hệ mới, việc tăng tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các DN Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng xuất khẩu là yêu cầu hết sức bức thiết. Những kinh nghiệm thành công của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc hay xa hơn là Mexico... có thể là những gợi ý tốt cho Việt Nam.

Việc tăng tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các DN Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng nội địa của hàng xuất khẩu là yêu cầu hết sức bức thiết
Đồng thuận với quan điểm này, một cán bộ của Vụ Kinh tế dịch vụ thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện Việt Nam có khoảng 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thể kể đến như điện thoại, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, máy móc, thiết bị... Trong đó, khu vực FDI đóng vai trò chủ lực. Việc nghiên cứu một số mặt hàng chủ lực và đề xuất với Chính phủ các giải pháp để thúc đẩy giá trị gia tăng sẽ có ý nghĩa thực tế rất lớn trong việc hoạch định chính sách thu hút FDI trong thời gian tới, đề xuất các giải pháp chính sách cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng khâu... trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, cải thiện giá trị gia tăng các mặt hàng xuất khẩu là chủ đề “nóng” không chỉ đối với thu hút FDI, mà đối với cả nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2016, qua theo dõi tình hình đầu tư, khuynh hướng đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tăng lên nhanh chóng, đứng thứ ba, sau chế biến, chế tạo và bất động sản. Dù chưa thể đánh giá được đầy đủ, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng, sự chuyển biến từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Trong số 10 mặt hàng nêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng khoa danh dự Khoa Kinh tế đối ngoại của APD) đề xuất, cần có nghiên cứu sâu hơn về mặt hàng điện tử, điện thoại, bởi đây là sản phẩm có tỷ lệ xuất siêu cao trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn còn cho rằng, việc nghiên cứu này phải đặt trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

Tin cùng chuyên mục