Động lực mới để du lịch cất cánh

(BĐT) - Đến Hà Nam hôm nay, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng, bị cuốn hút bởi những khu du lịch hoành tráng, khu vui chơi giải trí bề thế, có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, ẩn hiện trong bầu không gian thơ mộng, sơn thủy hữu tình. Những siêu dự án này đang được kỳ vọng sẽ là động lực để ngành du lịch của Hà Nam sớm cất cánh.
Khu du lịch Tam Chúc được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”. Ảnh: Tiên Giang
Khu du lịch Tam Chúc được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”. Ảnh: Tiên Giang

Một trong những điểm nhấn nổi bật của du lịch Hà Nam hiện nay chính là Khu du lịch Tam Chúc ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng với diện tích 5.100 ha. Khu du lịch này tọa lạc giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, xung quanh là dãy núi Thất Tinh với nhiều huyền tích, dưới lòng hồ là 6 quả núi nhô lên, tạo hình kỳ vĩ. Sự nên thơ, vẻ đẹp mê đắm lòng người khiến Khu du lịch Tam Chúc được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” của Việt Nam.

Năm 2006, tỉnh Hà Nam đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc có chức năng văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Khu du lịch này đang được đầu tư ngày càng bề thế, quy củ hơn, chia thành các khu: lòng hồ; văn hóa tâm linh; khu nghỉ dưỡng; sân golf 36 lỗ; khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên với nhiều hạng mục công trình kỳ công, mới lạ và độc đáo.

Đại dự án du lịch Tam Chúc cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu du lịch trọng điểm quốc gia. Dự kiến cuối năm 2018, Khu du lịch Tam Chúc sẽ đưa vào hoạt động một số công trình chính, với những sản phẩm chủ yếu là du lịch văn hóa - tâm linh, vui chơi giải trí, tham quan - nghỉ dưỡng... Các hạng mục công trình còn lại dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.

Sau khi khánh thành Dự án, du khách sẽ được thưởng lãm cảm giác bồng bềnh trên những con thuyền ngắm hồ Tam Chúc để đến với khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc. Đây là ngôi chùa bề thế, độc đáo với pho tượng Phật bằng đồng khổng lồ nặng tới 200 tấn, lớn nhất Đông Nam Á hiện nay.

Đồng thời, thông qua các tuyến cáp treo, du khách có thể tham quan núi Thất Tinh, tận mắt thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi non hùng vĩ và thiên nhiên hoang sơ nơi này. Đây chắc chắn sẽ là điểm đến tâm linh hấp dẫn với sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng, huyền bí của ngôi chùa bề thế, độc đáo với vẻ hùng vĩ của non nước bao la.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian tới, Tỉnh sẽ tập trung phát triển trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của vùng Thủ đô Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, gắn kết với du lịch sinh thái - tâm linh, du lịch y tế, giải trí, sáng tạo, văn hóa và du lịch tổ chức sự kiện, hội nghị - hội thảo; trung tâm liên kết các điểm du lịch ở phía Nam và Tây Nam Hà Nội.

Tỉnh chủ trương phát triển du lịch một cách bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của địa phương,

Mục tiêu mà tỉnh Hà Nam hướng tới là đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, tỷ trọng tăng dần và đóng góp tổng hợp khoảng 10% GRDP của Tỉnh; gắn kết, khai thác và thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, y tế, giáo dục và các ngành khác. Phát triển du lịch Hà Nam với những sản phẩm đa dạng, sáng tạo phục vụ khách du lịch cao cấp bên cạnh những sản phẩm du lịch do người dân cung cấp. Thu hút du khách bằng sản phẩm có giá trị cao về tự nhiên - sinh thái, văn hóa - nhân sinh - sáng tạo với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Du lịch Hà Nam có thương hiệu, cạnh tranh và liên kết được với các điểm du lịch trong vùng, có sức cạnh tranh trong nước và bước đầu có những hình ảnh du lịch mang tầm khu vực. Hà Nam trở thành một điểm du lịch cuối tuần với khách du lịch Hà Nội, một điểm du lịch mới hấp dẫn đối với du khách trong nước cũng như quốc tế.

Để hiện thực hóa những mục tiêu nói trên, theo ước tính của tỉnh Hà Nam, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành du lịch giai đoạn đến năm 2020 là 13.400 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2025 là 14.300 tỷ đồng; giai đoạn 2025 - 2030 là 21.700 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ ưu tiên đầu tư, tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch Tam Chúc và một số khu, điểm du lịch, sân golf đã được quy hoạch, thúc đẩy quá trình đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch, dịch vụ du lịch, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 4 - 5 sao; du lịch sinh thái tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch giải trí - sáng tạo; hội nghị, hội thảo, du lịch y tế; du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch.

Cụ thể, tỉnh Hà Nam sẽ ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư vào nhóm dự án phát triển kết cấu hạ tầng như: Đường bộ Hà Nội - Tam Chúc - Bái Đính; đường T3 nối từ Khu du lịch Tam Chúc đến Quốc lộ 1A; đường nối từ Khu du lịch Tam Chúc đến Tràng An - Bái Đính; các dự án nước sạch, xử lý rác thải tại điểm du lịch, cải tạo sông Đáy, sông Châu…

Bên cạnh đó, Hà Nam cũng sẽ ưu tiên đầu tư vào nhóm dự án thuộc Khu du lịch Tam Chúc như: Tuyến đường du lịch từ Thung Vạc đến hồ Ba Hang; bến tàu du lịch từ Khu du lịch Tam Chúc đi TP. Phủ Lý và chùa Hương; đầu tư cảnh quan khu du lịch cộng đồng Tam Chúc; khu công viên văn hóa - tâm linh Thung Vạc; phát triển cảnh quan xung quanh hồ Tam Chúc… Nhóm dự án phát triển các khu du lịch khác và cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: Khu du lịch hồ Ba Hang, sân golf Kim Bảng, sân golf Tượng Lĩnh, sân golf đồi Con Phượng, Khu du lịch đền Trần Thương, đền Bà Vũ… cũng sẽ được quan tâm đầu tư.

Với cách nghĩ, cách làm táo bạo, sáng tạo và tầm nhìn xa, chắc chắn Hà Nam sẽ sớm trở thành một trung tâm du lịch của vùng Thủ đô Hà Nội cũng như của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn với sự kết hợp hài hòa của các loại hình du lịch sinh thái - sáng tạo - nhân văn cùng các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Và ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực quan trọng gắn kết, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam.

Tin cùng chuyên mục