Dự án BOT Quốc lộ 91 và 91B đội giá gần 100 tỷ đồng

KTNN đã kiến nghị giảm quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư số tiền 52,1 tỷ đồng trên tổng giá trị đã được phê duyệt và thực hiện là 415,1 tỷ đồng.
 Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 và Quốc lộ 91B đoạn Km0+000 đến Km15+793 theo hình thức hợp đồng BOT thực hiện từ ngày 21/6/2017 đến ngày 20/7/2017.

Theo đó, KTNN đã kiến nghị giảm quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư số tiền 52,1 tỷ đồng trên tổng giá trị đã được phê duyệt và thực hiện là 415,1 tỷ đồng.

Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 và Quốc lộ 91B đoạn Km0+000 đến Km15+793 với tổng mức đầu tư 1.720,3 tỷ đồng do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty Cổ phần phát triển khu công nghiệp là Nhà đầu tư, với doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án do Ban quản lý Tiểu dự án GPMB dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 thuộc UBND thành phố Cần Thơ thực hiện.

Dự án này được đánh giá phù hợp quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải lựa chọn đầu tư theo hình thức BOT, giúp đầu tư tuyến đường trong thời gian ngắn, đảm bảo lưu thông thông suốt trên tuyến.

Dự án sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm ách tắc và tai nạn giao thông, góp phần phát triển hệ thống giao thông vùng miền Tây Nam Bộ, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Về công tác GPMB, kết quả kiểm toán cho thấy, nhìn chung chi phí GPMB được địa phương quản lý sử dụng theo quy định, tuy nhiên tiến độ GPMB chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 10 tháng do: Một số nội dung phát sinh nhưng chưa được phê duyệt dự toán; một số hộ dân khiếu nại đơn giá bồi thường đất còn thấp nên chưa chịu nhận tiền; một số trường hợp do tranh chấp đất kéo dài nên chưa đồng ý giao mặt bằng…

Về kiểm toán chi tiết các gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (công trình HTKT) cũng cho thấy một số tồn tại như: Một số hạng mục di dời công trình HTKT phát sinh chưa được Ban quản lý tiểu dự án GPMB trình thẩm định và phê duyệt trước khi thực hiện; dự toán chi phí di dời công trình HTKT áp sai định mức làm tăng dự toán…

Sau kiểm toán, KTNN kiến nghị Ban quản lý tiểu dự án GPMB rút kinh nghiệm và khắc phục những sai sót trên. Bên cạnh đó, KTNN kiến nghị giảm quyết toán chi phí GPMB, tái định cư tổng số tiền hơn 52,1 tỷ đồng, trong đó: Chi phí bồi thường, GPMB hơn 20,6 tỷ đồng; chi phí bồi thường di dời công trình HTKT hơn 23,5 tỷ đồng; chi phí bồi thường và tái định cư hơn 6,1 tỷ đồng; chi phí đo đạc lập bản đồ địa chính hơn 1,9 tỷ đồng.

Ngoài giảm quyết toán chi phí GPMB, đối với doanh nghiệp dự án (Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang), KTNN kiến nghị xử lý tài chính giảm quyết toán chi phí đầu tư thực hiện số tiền hơn 44,8 tỷ đồng bao gồm: Chi phí xây dựng gần 33,7 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 1,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn gần 0,45 tỷ đồng và các chi phí khác hơn 9,35 tỷ đồng.

KTNN kiến nghị Nhà đầu tư (Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty Cổ phần phát triển khu công nghiệp) cùng với các cơ quan có liên quan tính toán và điều chỉnh lại tất cả các yếu tố đầu vào để làm cơ sở cho việc điều chỉnh lại Phương án tài chính của dự án, trên cơ sở đó điều chỉnh các nội dung có liên quan tại Hợp đồng BOT.

Tương tự kết quả kiểm toán tại nhiều dự án BOT khác, Dự án này, KTNN cũng xác định lại thời gian thu phí hoàn vốn giảm từ 23 năm 5 tháng 8 ngày xuống còn 19 năm 0 tháng 5 ngày, giảm tương ứng 4 năm 5 tháng 3 ngày so với phương án tài chính ban đầu.

Tin cùng chuyên mục