Dự án Nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) đội vốn 36 lần: Có hay không buông lỏng quản lý đầu tư?

(BĐT) - Dự án Nạo vét sông Sào Khê đội vốn 36 lần (từ 72 tỷ đồng “nở” thành 2.595 tỷ đồng) qua 17 năm thực hiện vẫn dở dang, bề bộn cho thấy nhiều sai phạm, lỏng lẻo trong quản lý dự án đầu tư. Do đâu dự án này đội vốn đầu tư nhiều lần với mức tăng quá cao như vậy?
Ảnh Internet
Ảnh Internet

17 năm vẫn một nhà thầu thi công

Dự án Nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt vào tháng 6/2001 với tổng mức đầu tư ban đầu là 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tháng 5/2003, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại Dự án (lần thứ nhất), nâng mức đầu tư lên 189 tỷ đồng. Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý dự án thủy lợi Ninh Bình (hiện là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn) và nhà thầu trúng thầu là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Tháng 4/2005, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt lại Dự án (lần thứ hai), điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án lên 399,695 tỷ đồng, do nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2005 - 2007. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được cho phép tiếp tục thực hiện các hạng mục bổ sung công trình của Dự án.

Đến tháng 12/2009, UBND tỉnh Ninh Bình lại ban hành quyết định phê duyệt lại Dự án (lần thứ 3) với tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 2.595 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Dự án có 4 hạng mục lớn, gồm: phần thủy lợi, công trình cầu, công trình kiến trúc văn hóa và đường giao thông.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, Dự án được thực hiện đến nay đã 17 năm, trải qua nhiều cơ chế, chính sách khác nhau. Từ năm 2005, Luật Đấu thầu đã được ban hành. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án năm 2009 chắc chắn cũng liên quan đến các chính sách pháp luật về đấu thầu giai đoạn này. Theo đó, khi Dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, khối lượng thực hiện công việc của gói thầu chắc chắn thay đổi thì phải hình thành nên một gói thầu khác, dự án khác để đấu thầu rộng rãi và thực hiện lựa chọn nhà thầu thi công, chứ không phải là chỉ định cho nhà thầu đang thực hiện dở dang tiếp tục làm các hạng mục bổ sung (có giá trị bằng mấy chục lần) gói thầu đã thực hiện.

Còn theo ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thời gian qua, các dự án nạo vét đường thủy khá “hot” vì doanh nghiệp thường thu được nguồn lợi, các lợi ích kinh tế từ sản phẩm nạo vét như cát xây dựng, trong khi lại được thanh toán chi phí cho khối lượng nạo vét này. Việc thanh tra, kiểm tra khối lượng nạo vét cũng khó hơn, khó phát hiện ra các sai phạm vì phần lớn công việc, khối lượng “nằm dưới lòng sông”, mà công tác thanh tra, kiểm tra hầu như chỉ được thực hiện sau khi các khối lượng nạo vét đã hoàn tất. 

Buông lỏng quản lý đầu tư?

Theo quy định tại Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát và đánh giá đầu tư thì định kỳ mỗi 6 tháng, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phải thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án. Thông tư này thay thế Thông tư số 13/2010/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, nhiều năm nay, do Dự án bị ngừng, giãn, hoãn tiến độ nên Chủ đầu tư đã không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia lâu năm trong ngành xây dựng cho biết, theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thời gian thực hiện dự án nhóm A cũng chỉ trong 5 năm. Việc dự án kéo dài tới 17 năm mà vẫn “chưa có ngày về đích” thể hiện sự buông lỏng trong nhiều khâu quản lý.

Trong quá trình thực hiện Dự án có thể xảy ra phát sinh khối lượng, phải điều chỉnh dự toán nhưng nó vẫn nằm trong giới hạn của tổng mức đầu tư ban đầu. Khi cần thay đổi quy mô dự án ở biên độ lớn thì phải lập một dự án mới, thanh lý và nghiệm thu dự án đã thực hiện. Dự án mới đương nhiên cũng có thời gian hoàn thành cụ thể, chứ không phải cứ điều chỉnh theo kiểu “nở” không dừng được như thực tế Dự án Nạo vét sông Sào Khê này.

Tin cùng chuyên mục