Gỡ vướng cho metro Bến Thành - Suối Tiên

(BĐT) - Ngay trong kỳ họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ nhận vai trò đầu mối để các bên ngồi lại đấu nối với nhau, phải nói cho rõ, cho đúng, đủ, vì hiện nay cách hiểu khác nhau mà chưa ai "khâu" lại. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tinh thần là làm nhanh hết sức để có giải pháp xử lý làm sao cho công trình hiệu quả, không ảnh hưởng tiến độ cũng như quan hệ đối ngoại. 

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với báo chí bên hành lang phiên họp tổ của Quốc hội sáng ngày 24/10 liên quan đến giải quyết vướng mắc về bố trí vốn cho Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). 

Chưa đủ thủ tục nên chưa thể bố trí vốn              

Nhiều đại biểu Đoàn TP.HCM trong phiên thảo luận tổ ngày 24/10 thể hiện sự lo ngại khi Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên chậm được giao vốn. Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, sự thiếu linh hoạt trong điều hành ngân sách dẫn tới những công trình trọng điểm quốc gia bị thiếu vốn trầm trọng như vậy cho thấy trục trặc của nền kinh tế. Trong khi metro số 1 là dự án mang tính hiệp ước với Nhật Bản, phải làm sao để không ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, môi trường đầu tư. Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhận định, tuyến metro số 1 chậm được rót vốn sẽ ảnh hưởng tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ODA vào cả nước, chứ không riêng TP.HCM. Cần soát xét lại các điểm nghẽn để tháo gỡ.

Về việc Dự án tăng vốn thêm 30 nghìn tỷ đồng, đại biểu Phạm Phú Quốc phân tích, đầu tiên là vì tổng lượng đầu tư tăng, nhiều trạm bảo dưỡng hơn…; thứ hai là trượt giá năm 2011 so với 2007 và thứ ba là thay đổi công nghệ: năm 2007 chỉ thiết kế công nghệ đáp ứng đến 2020, còn năm 2011 thiết kế đáp ứng đến 2040. “Như vậy tăng vốn là bình thường, việc này đã được 2 đơn vị độc lập của Singapore thẩm định”, ông Quốc bình luận.

Vấn đề vướng của Dự án lúc này, theo đại biểu Quốc, là chưa có nghị quyết của Quốc hội về thay đổi vốn đầu tư.

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ thêm về vướng mắc của dự án này. Theo Bộ trưởng, vấn đề lớn nhất là phải xem lại việc phê duyệt điều chỉnh dự án và phải thống nhất được cơ chế cho vay lại. Dự án này tăng vốn lên 47 nghìn tỷ đồng, theo quy định thì Dự án vượt trên 35 nghìn tỷ đồng phải báo cáo Quốc hội phê duyệt điều chỉnh dự án.

“Thống nhất được những vấn đề này Bộ KH&ĐT mới có thể đưa Dự án vào kế hoạch giải ngân vốn trung hạn và bố trí vốn giải ngân. Cần phải có cơ chế riêng, đặc thù cho dự án này, chứ không theo Nghị định về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài mới của Bộ Tài chính”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. 

Sẽ nhanh chóng tháo gỡ

Trao đổi với báo chí, ông Phan Nguyễn Như Khuê tin rằng Chính phủ đã tiếp nhận, giải quyết nghiêm túc vấn đề tắc nghẽn của dự án này. “Tôi mong là tại kỳ họp này Quốc hội sẽ có nghị quyết điều chỉnh vốn cho metro số 1 TP.HCM”, ông Khuê kỳ vọng.

Không né tránh câu hỏi của báo chí về trách nhiệm để xảy ra chậm trễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra TP.HCM có trách nhiệm một chút, Bộ Giao thông vận tải một chút và Bộ KH&ĐT cũng có trách nhiệm đã thiếu đôn đốc các bên.

Bộ trưởng cho biết, đang có sự hiểu chưa đúng về quan điểm chỉ đạo trước đây của lãnh đạo cấp có thẩm quyền đối với dự án này. Văn bản Chính phủ ký trước đây là đồng ý cho phép điều chỉnh dự án, chứ không phải phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên mức đó. Do cách hiểu chưa đúng, nên TP.HCM nghĩ đã được phê duyệt tăng thêm vốn rồi.

Hiện Bộ KH&ĐT đang chủ động tìm hướng tháo gỡ, rất khẩn trương nhưng còn phụ thuộc vào địa phương, các bộ, ngành liên quan. “Trước hết phải thống nhất lại cách hiểu, thống nhất quy trình: ai phê duyệt, xác định mức tăng có hợp lý hay không? Tăng 30.000 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng cũng khẳng định trong kế hoạch trung hạn vẫn còn nguồn dự phòng để bố trí cho Dự án, vì thế không lo thiếu nguồn. Tuy nhiên, vẫn phải xử lý vấn đề thủ tục, cân đối ngân sách.

Tin cùng chuyên mục