Hóa giải các yếu tố kìm hãm tăng trưởng

(BĐT) - Nhiều khó khăn, thách thức có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế thương mại gắn với hội nhập kinh tế quốc tế: Diễn biến năm 2016 và triển vọng 2017” diễn ra chiều ngày 18/1, tại Hà Nội.
Phát hành trái phiếu chính phủ đã chèn lấn cơ hội tiếp cận vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp
Phát hành trái phiếu chính phủ đã chèn lấn cơ hội tiếp cận vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp

Còn đó nhiều khó khăn, thách thức

Theo CIEM, kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm đầy biến động, tăng trưởng 6,21%, thấp hơn mục tiêu định hướng. Những dư âm khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế vẫn còn, nếu không được hóa giải thì tăng trưởng kinh tế năm 2017 dự báo chỉ đạt 6,43%, lạm phát ở mức 3,46%, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 7,2%... Trong quý I/2017, nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn không ổn định, tỷ giá có thể diễn biến nhanh và phức tạp hơn, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chậm lại trên bình diện cả khu vực và trên thế giới…

CIEM cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ phải khơi dậy được sức sống của thị trường và khơi thông nguồn lực của khu vực tư nhân bên cạnh việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của CIEM Nguyễn Anh Dương cho rằng, năm 2017, trong điều hành chính sách cần lưu tâm đến 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là điều hành ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Theo ông Dương, trong năm 2016, thâm hụt ngân sách nhà nước lớn do không điều chỉnh chi trong điều kiện nguồn thu khó khăn, hơn nữa dự toán thu cũng không được điều chỉnh khi thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu chậm. Năm 2016, Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ quy mô lớn, lãi suất thấp được bổ sung vào quý IV/2016. “Nhìn về số lượng thì đây là kết quả đáng khích lệ, song nếu nhìn từ góc độ điều hành thì rõ ràng đã tạo sự bất lợi cho khu vực kinh tế tư nhân. Phát hành trái phiếu chính phủ đã chèn lấn cơ hội tiếp cận vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp (DN). Do đó, nhiều DN chỉ có thể tiếp cận được nguồn vốn ngắn hạn với áp lực trả lãi dồn dập, khiến DN không thể lớn được” - ông Dương nhận xét.

Thứ hai là thách thức về tỷ giá. Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, đồng USD có thể lên giá, chính sách đối kháng của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới có thể tác động đến kinh tế Việt Nam. Do đó, trong năm 2017, Chính phủ không nên đặt mục tiêu quá cứng cho điều hành tỷ giá cũng như không đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu quá cao để Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt hơn trong điều hành. 

Thay đổi để vượt qua khó khăn

Từ những dự báo trên, CIEM đánh giá, trong năm 2017 việc tuân thủ nghiêm các chính sách mới về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương chính sách kinh tế là vô cùng cần thiết thông qua từng hành động cụ thể. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho DN phát triển. Ông Dương cho rằng, nếu phải chọn một trong hai mục tiêu là tăng trưởng kinh tế hoặc thâm hụt ngân sách thì năm 2017 nên chọn mục tiêu chống thâm hụt ngân sách để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển đất nước.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, một Chính phủ kiến tạo phải tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. “Muốn thúc đẩy đầu tư tư nhân thì phải khuyến khích khu vực tư nhân phát triển, chứ không phải huy động một lượng lớn trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp làm chèn lấn cơ hội của khu vực này như vừa qua”. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế dự báo còn nhiều thách thức, khu vực DN tư nhân dù đông nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế, việc giảm chi phí cho DN là rất cần thiết để vực họ vượt qua khó khăn. “Ngay những ngày đầu năm 2017 đã có đề xuất tăng phí môi trường trong xăng dầu, có nên chăng?”, ông Cung đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, những cơ hội từ hội nhập kinh tế rất lớn, nhưng thực tế năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn hạn chế. Để nắm bắt được cơ hội này, việc tạo điều kiện, nâng cao sức cạnh tranh của DN là giải pháp quan trọng nhất hiện nay.

Tin cùng chuyên mục