Khó huy động vốn phát triển điện gió

(BĐT) - Điện gió là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng hai con số trong 15 năm qua. 
Mức giá bán điện gió 7,8 UScent/kWh chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Mức giá bán điện gió 7,8 UScent/kWh chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, thế nhưng hiện mới chỉ có 7 dự án được đưa vào sử dụng với công suất hơn 190 MW. Vậy đâu là rào cản khiến các dự án điện gió của Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư?

Khuyến khích đầu tư vào điện gió

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam là 27 GW, các dự đoán khác đưa ra con số còn cao hơn. Tận dụng nguồn tài nguyên phong phú là một trong những lựa chọn chiến lược để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng cao.

Tại Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 800 MW và đến năm 2030 đạt 6.000 MW. Tuy nhiên, hiện việc phát triển các nguồn điện gió vẫn còn rất chậm. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, Việt Nam mới có 7 nhà máy điện gió với tổng công suất 190 MW được đưa vào sử dụng. Công suất hiện tại còn rất xa mục tiêu đề ra. Tiết lộ về dự kiến phát triển điện gió trong Quy hoạch điện VIII tới đây, ông Thành cho hay, Chính phủ tiếp tục chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải, tiến tới phát triển kinh tế bền vững.

Thông tin đưa ra tại Hội nghị Điện gió Việt Nam lần thứ nhất diễn ra sáng 7/6 tại Hà Nội cũng cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á, đã nắm bắt cơ hội để phát triển điện gió và năng lượng tái tạo. Dự kiến, cuối năm 2018, nhiều khả năng Thái Lan, Philippines sẽ vượt mức công suất 1.000 MW điện gió. “Các quốc gia này quyết định sử dụng điện gió không chỉ vì đây là một nguồn năng lượng có giá phải chăng mà còn vì nhiều lợi ích khác như môi trường, xã hội…”, đại diện Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề này, ông Bùi Vĩnh Thắng, Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream nói thêm: “Than hiện đang phải nhập khẩu rất nhiều, thủy điện lớn cũng khai thác hết rồi, nhưng gió và ánh sáng mặt trời là “của nhà trồng được”, không phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và cũng không bao giờ hết nên trong tương lai, điện gió và điện mặt trời rẻ hơn điện than là điều chắn chắn”. 

Chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện

Thông thường, các dự án điện gió thường có mức vốn đầu tư lớn. Phần lớn chi phí dự án là chi phí đầu tư trả trước, không phát sinh chi phí nhiên liệu, còn chi phí vận hành và bảo trì trong suốt vòng đời của dự án tương đối nhỏ. Do đó, vốn và chi phí vốn là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của các dự án đầu tư vào điện gió. Tuy nhiên, nhìn lại các hợp đồng mua bán điện (PPA) trong lĩnh vực điện gió được ký kết thời gian gần đây của Việt Nam, các ý kiến cho rằng, các PPA này cần được tinh chỉnh hơn nữa để được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận và để công suất phát điện sử dụng năng lượng gió đáp ứng nhu cầu điện tăng cao.

Đề cập rõ hơn, ông Bùi Vĩnh Thắng phân tích, trong cơ chế hiện tại về đầu tư vào điện gió và điện mặt trời ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định trong PPA đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, hợp đồng đó đang đẩy rủi ro lớn cho nhà đầu tư nên các dự án điện gió khó huy động vốn. “Hợp đồng dự kiến cung cấp điện gió trong 20 năm cho bên mua, nhưng tại Việt Nam thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất có quyền mua điện, trong khi PPA lại có điều khoản quy định EVN có thể và được phép hủy hợp đồng bất cứ lúc nào trong thời gian 20 năm đó và chỉ phải bồi thường 1 năm tiền điện trước đó”, ông Thắng nêu bất cập. Vì vậy, PPA cần sớm được chuẩn hóa, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và được các tổ chức tài chính chấp nhận.

Đối với vấn đề giá điện gió, thời gian qua, chúng ta đã có quy định về giá bán điện gió ở mức 7,8 US cent/kWh, nhưng theo đánh giá của các nhà đầu tư thì mức giá đó chưa đủ hấp dẫn. “Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra mức giá điện gió hài hòa hơn, bảo đảm công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo cũng như phù hợp với công nghệ hiện nay”, ông Nguyễn Văn Thành cho hay.

Tại Hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, thời gian tới, quy trình phê duyệt dự án điện gió cần đơn giản hóa và rõ ràng hơn. “Quy trình phê duyệt rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể là rất quan trọng để giảm bất trắc, tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư cũng như tối đa hóa tăng trưởng ngành”, đại diện Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu khẳng định.

Tin cùng chuyên mục