“Nắm đằng chuôi” trong ưu đãi thu hút FDI

(BĐT) - Để có thể thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao..., cần rà soát, đánh giá lại chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư cũng như cần có chế tài để theo dõi, giám sát việc thực hiện đúng cam kết của nhà đầu tư.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Còn nhiều bất cập

Đánh giá chính sách thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, nhìn chung ưu đãi thuế của Việt Nam ở mức cao. Ưu đãi đầu tư phổ biến tại Việt Nam là biện pháp giảm thuế, miễn thuế có thời hạn, có lợi nhiều hơn cho những nhà đầu tư “dễ bay nhảy” với tầm nhìn ngắn hạn, tìm kiếm chi phí thấp hay những nhà đầu tư sẽ vẫn có lợi nhuận nếu như không có chính sách ưu đãi. Chính sách này đem lại ít lợi ích hơn trong dài hạn và đối với các nhà đầu tư vào những lĩnh vực đổi mới, sáng tạo thường có một số năm không có lợi nhuận trong giai đoạn mới khởi nghiệp hoặc các giai đoạn hoạt động khác.

Hệ thống chính sách ưu đãi thuế, theo đánh giá của ông Thắng là khá phức tạp, phạm vi ưu đãi được quy định trong Luật Đầu tư 2014 là khá rộng và dàn trải. Có rất ít bằng chứng cho thấy ưu đãi thuế theo địa bàn khó khăn là có hiệu quả trong thu hút FDI. Hay theo một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, chính sách ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế có thể khuyến khích doanh nghiệp (DN) tránh thuế thông qua việc cơ cấu lại đầu tư, thành lập dự án đầu tư mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi...

Nghiên cứu của CIEM thông qua trường hợp của Bắc Giang cũng cho thấy, mặc dù thu hút đầu tư với số lượng lớn DN và đạt tốc độ tăng trưởng rất cao (khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2005 - 2018), nhưng đổi lại, đóng góp của khu vực này cho ngân sách nhà nước hay hiệu quả mang lại đều thấp hơn so với các địa bàn lân cận và cả nước. Về tổn hại đến môi trường, chỉ tính từ năm 2016 - tháng 4/2018, Bắc Giang đã phát hiện, xử lý 74 vụ gây ô nhiễm môi trường, đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo nhóm nghiên cứu của CIEM, là do cả khâu thiết kế chính sách và thực hiện chính sách. Thiết kế chính sách chưa nhất quán giữa các mục tiêu, giữa mục tiêu và biện pháp thực hiện; chính sách áp dụng chung cho các tỉnh, thành, chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương; chính sách ưu đãi phức tạp, chồng chéo, nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau... Trong quá trình thực hiện chính sách, việc theo dõi, giám sát bị buông lỏng; không có đánh giá thường xuyên về chi phí lợi ích của chính sách; không có đánh giá tác động của chính sách; thủ tục ưu đãi chưa minh bạch...

Quản lý phải “nắm đằng chuôi”

Kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của CIEM cho thấy, FDI luôn là bộ phận được quan tâm của các quốc gia và thậm chí có cam kết chính trị về ưu đãi đầu tư trong một số dự án quan trọng nhất, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản...

Chia sẻ mô hình của Hungary, TS. Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng ban Tổng hợp thuộc Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT cho biết, mặc dù không có danh mục ưu đãi đầu tư nhưng một khi đã cam kết ưu đãi thì thực hiện giống như một hợp đồng. Nhà đầu tư phải thực hiện đúng cam kết thì mới được ưu đãi. Chế tài này giúp Nhà nước “nắm đằng chuôi”.

Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam vẫn rất cần bổ sung danh mục các địa bàn, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư để các địa phương có thể thu hút FDI một cách chủ động. Dĩ nhiên, việc lựa chọn cần có sự cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng...

Thực tế thời gian qua đã xảy ra không ít bối rối với việc xác định tên gọi của một số ngành nghề, lĩnh vực mới xuất hiện. Do đó, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT đề nghị, cần có nghiên cứu, phân tích sâu hơn các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ...; tập trung ưu đãi dựa trên hiệu quả, trên cơ sở giá trị gia tăng...

Một số ý kiến cho rằng, khi xác định các tiêu chí ưu đãi đầu tư FDI cần tính tới các dự án PPP, bởi Việt Nam cũng đặt mục tiêu thu hút nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng. Kinh nghiệm của một số nước như Singapore hay Nhật Bản cho thấy, việc thu hút nhà đầu tư PPP có sự gắn bó mật thiết với chính sách thu hút đầu tư FDI.

Mặt khác, cần xác định tiêu chí rõ ràng, minh bạch, dễ đo lường, giám sát. Ngược lại, nếu không có tiêu chí rõ ràng thì sẽ có nhiều hệ lụy như: DN sẽ dễ lách luật, cơ quan nhà nước khó quản lý...

Tin cùng chuyên mục