Nhận diện sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam

(BĐT) - Với 3 lợi thế lớn về dân số, kinh tế và môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ.
Trong khoảng 10 năm (2007 - 2016) đã có 164 nhà đầu tư nước ngoài “rót” vốn đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Trong khoảng 10 năm (2007 - 2016) đã có 164 nhà đầu tư nước ngoài “rót” vốn đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Đây là thông tin được các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước nhấn mạnh tại cuộc Đối thoại kinh tế Việt Nam - Nhật Bản vừa diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện này là cơ hội tốt để lãnh đạo DN hai bên tìm hiểu, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác hợp tác trong tương lai.

Đề cập về cơ hội kinh doanh cho ngành dịch vụ tại Việt Nam, ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Phú Thái cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài với 3 lợi thế chính.

Ông Phương khẳng định, Việt Nam là một thị trường đầy hấp dẫn với 96 triệu dân và dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 98 triệu dân. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu của HSBC được công bố trong báo cáo “Asean connect 2016” (2016) cho thấy, tầng lớp trung lưu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ đạt khoảng 33 triệu người vào năm 2020. Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên do dân số trẻ, đô thị hoá nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng. Việt Nam hiện được đánh giá là Top 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan.

Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên do dân số trẻ, đô thị hoá nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng.
Mặt khác, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho DN phát triển khiến các nhà đầu tư chú ý hơn. Cụ thể, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các chính sách ưu đãi… là những lý do khiến thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Bởi vậy, trong khoảng 10 năm (2007 - 2016) đã có 164 nhà đầu tư nước ngoài “rót” vốn đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam. Điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đã và đang đầu tư tại Việt Nam thông qua các thương vụ M&A. Năm 2017, khá nhiều đơn vị quốc tế đã “để mắt” tới thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đề cập về cơ hội đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam ngay sau khi Hiệp định CPTPP ký kết, trong đó Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên, nhiều đại biểu cho rằng, Hiệp định sẽ có lợi cho cả đôi bên về giao thương hàng hóa. Theo đó, hàng hóa của DN Việt Nam có thêm cơ hội vào Nhật Bản và ngược lại, từ đó đẩy mạnh hợp tác kinh tế hai nước. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh giữa các DN bán lẻ nội và ngoại cũng sẽ gay gắt hơn, đòi hỏi các DN bán lẻ Việt Nam phải có những chiến lược mới để giữ vững thị phần và cải thiện uy tín của mình trước những đối thủ nước ngoài đáng gờm có lợi thế hơn hẳn về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, nhân sự…

Cũng liên quan đến lĩnh vực bán lẻ, trong một nghiên cứu về ngành bán lẻ Việt Nam được công bố tháng 10 năm ngoái đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu khá đồng điệu với các ý kiến đưa ra tại cuộc Đối thoại. Nghiên cứu này nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định, thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều DN nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.

Tin cùng chuyên mục