Nhiều yếu tố tác động đến giải ngân đầu tư công

(BĐT) - Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công nhanh hay chậm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như nhận định của bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Chúng ta cứ đổ thừa cho Luật Đầu tư công nhưng thực tế có trách nhiệm trong công tác triển khai tổ chức thực hiện vấn đề này”.
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vẫn là một trong các nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Giang
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vẫn là một trong các nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Giang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương trên Trang thông tin điện tử của Bộ. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ, ngành, địa phương có sự chênh lệch rất lớn. Bộ Khoa học và Công nghệ đã đạt 78,04% kế hoạch năm, Nam Định đạt 53,76%, Ninh Bình đạt 50,51%, Hà Giang đạt 45,04%, Lai Châu đạt 43,58%, Bộ Giao thông vận tải đạt 42,02%.

Ngược lại, có nhiều đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp. Qua 5 tháng, Vĩnh Phúc mới giải ngân được 0,65% kế hoạch năm, Ngân hàng Nhà nước đạt 0,93%, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt 1,35%, Kiên Giang đạt 5,99%, Long An đạt 6%.

Bộ KH&ĐT đánh giá, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đã có bước cải thiện, tuy nhiên, vẫn đang còn ở mức thấp.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm nay, Thủ tướng đã thực hiện giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm. Giải ngân vốn đầu tư công chậm bên cạnh những nguyên nhân khách quan về quy định pháp lý, quy trình thủ tục, yếu tố thời vụ thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm, thì nguyên nhân chủ quan rất lớn. Nhiều đơn vị trung ương và địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác triển khai, từ khâu giao kế hoạch chi tiết, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng đến khâu thanh toán giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra, rà soát tình hình giải ngân tại các đơn vị trung ương, địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân còn chậm. Để tìm ra những nguyên nhân cốt lõi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay, Chính phủ cũng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với một số đơn vị giải ngân chậm cũng như kiên quyết thu hồi số vốn đã giao nhưng không triển khai thực hiện, đặc biệt là công khai kết quả giải ngân của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương để theo dõi, giám sát.

Từ số liệu vừa được Bộ KH&ĐT công bố, có thể thấy trên một nền chính sách nhưng tiến độ giải ngân không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị, Chính phủ cần làm rõ cái nào vướng do luật định, cái nào do thụ động trong khâu triển khai thực hiện, để tìm giải pháp phù hợp cho những tháng còn lại của năm 2018 và năm tiếp theo.

Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm, có những nguyên nhân đôi khi còn cản trở, gây chậm hơn so với vướng mắc của Luật Đầu tư công. Ví dụ như giải phóng mặt bằng, hầu hết các dự án thường không bố trí đủ vốn giải phóng mặt bằng so với khối lượng thực tế. Nguyên nhân do nhiều địa phương tính toán tiền cho giải phóng mặt bằng ban đầu rất thấp, sau đó bị tăng lên rất nhiều, không cân đối được ngân sách. Khi đó, các địa phương này phải mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục tìm nguồn tiền bổ sung giải phóng mặt bằng của các dự án đang thực hiện. Ngoài ra, chất lượng dự án khi được phê duyệt so với khi triển khai thực tế thay đổi, phải điều chỉnh rất nhiều dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng cũng nêu rõ, đơn vị nào không sử dụng kịp thời thì bị kỷ luật và cắt vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao. Các bộ, ngành, địa phương phải đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết đã ban hành, tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây chậm trễ.

Tin cùng chuyên mục