Bông Bạch Tuyết bị phạt trăm triệu vì chậm niêm yết

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt Bông Bạch Tuyết 330 triệu đồng vì đăng ký niêm yết quá thời hạn, chậm nộp báo cáo tài chính...
Bông Bạch Tuyết lên kế hoạch niêm yết trở lại sau 6 năm rời sàn chứng khoán.
Bông Bạch Tuyết lên kế hoạch niêm yết trở lại sau 6 năm rời sàn chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 330 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết. Cụ thể, doanh nghiệp này bị phạt 60 triệu đồng do gửi báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo thường niên, tài liệu họp, biên bản và nghị quyết họp đại hội đồng cổ đông năm 2015 và 2016 không đúng thời hạn. Việc triệu tập đại hội đồng cổ đông chưa đảm bảo thời gian chậm nhất 10 ngày trước thời điểm khai mạc khiến công ty bị phạt thêm 70 triệu đồng.

Tháng 8/2017, ban lãnh đạo công ty đề nghị chốt danh sách cổ đông để hoàn thiện hồ sơ đăng ký niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch đưa cổ phiếu Bông Bạch Tuyết trở lại sàn chứng khoán sau sáu năm bị hủy niêm yết do thua lỗ triền miên và không đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ thực góp vẫn chưa hoàn thành, kéo theo khoản phạt tiền 200 triệu đồng.

Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, được thành lập vào năm 1960 và chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, công ty chuyển đổi hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cổ phần và bước vào thời kỳ hoàng kim với việc chiếm lĩnh 90% thị phần sản phẩm bông y tế.

Đầu năm 2004, sau khi tăng vốn điều lệ bằng nguồn tiền tự tích luỹ, công ty đăng ký giao dịch lần đầu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết cũng bắt đầu lao dốc từ thời điểm này do cổ đông thường xuyên xảy ra xung đột, giá nguyên vật liệu leo thang, năng lực bán hàng không kịp đáp ứng lượng hàng sản xuất tăng đột biến…

Chỉ sau 3 năm góp mặt trên sàn chứng khoán, Bông Bạch Tuyết báo lỗ tổng cộng 14 tỷ đồng, cùng hàng loạt khoản nợ quá hạn thanh toán cho ngân hàng và các bên liên quan. Công ty từng đề xuất phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược để thanh toán nợ trước sức ép quá lớn, nhưng nhóm cổ đông Công ty cổ phần Dệt may Gia Định – đơn vị đại diện 30% vốn Nhà nước đã bác bỏ.

Giai đoạn khó khăn vào năm 2008, công ty thông báo chậm trả lương và cắt giảm nhân sự khiến người lao động phải phát đi thông điệp đình công đòi quyền lợi. Đầu năm 2009, hơn 6,84 triệu cổ phiếu Bông Bạch Tuyết bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán, đánh dấu đỉnh điểm cuộc khủng hoảng của thương hiệu nổi tiếng một thời.

Khoảng 3 năm trở lại đây, Bông Bạch Tuyết đã ghi nhận những tín hiệu hồi sinh sau quãng thời gian dài chật vật tìm cách thoát cảnh thua lỗ. Điển hình như năm 2016, công ty ghi nhận 85 tỷ đồng doanh thu thuần và 14,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 3 lần kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2017 đạt 101 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả thực hiện năm trước nhờ kế hoạch đa dạng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và tìm hướng xuất khẩu sang thị trường châu Á.

Ban lãnh đạo công ty đánh giá, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ nợ cũ và lỗ luỹ kế các năm trước.

Tin cùng chuyên mục