Cổ phiếu tăng 410% từ khi lên sàn, BOT Cầu Thái Hà có gì?

(BĐT) - Chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM ngày 14/2/2019, cổ phiếu Công ty CP BOT Cầu Thái Hà (mã chứng khoán: BOT) đã tăng liên tục từ mức giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu lên 51.000 đồng/cổ phiếu (tương đương tăng 410%). Điều này trái ngược với thực trạng hoạt động của Công ty, bởi nhiều năm qua vẫn chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nhiều lần tạm dừng thu phí

Công ty CP BOT Cầu Thái Hà được thành lập vào năm 2014 với vốn điều lệ 245 tỷ đồng để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức BOT. Thời gian thu phí dự kiến là 16 năm 7 tháng, bắt đầu từ ngày công trình được quyền thu phí.

Qua 2 lần phát hành cổ phần, Công ty hiện có vốn điều lệ là 400 tỷ đồng, tương đương 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, 4 cổ đông lớn chiếm 95,17% vốn điều lệ gồm 3 doanh nghiệp và 1 cá nhân.

 Được biết, Dự án BOT Cầu Thái Hà vượt sông Hồng đã được thông xe kỹ thuật từ tháng 11/2016 sau hơn hai năm thi công. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các tuyến đường dẫn vào cầu chưa hoàn thiện, lưu lượng xe qua cầu ở mức thấp. Do vậy, Công ty đã trình Bộ Giao thông vận tải về việc chưa chính thức thu phí tại Dự án và đã nhận được sự đồng ý.

Đến cuối tháng 12/2018, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Văn bản số 14723/BGTVT-TC về việc chấp thuận cho thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT Cầu Thái Hà bắt đầu từ 0h00 ngày 10/1/2019. Tuy vậy, BOT Cầu Thái Hà buộc phải tạm dừng thu phí chỉ sau nửa ngày vận hành.

Cụ thể, đến 11h ngày 11/1/2019, tại điểm đầu Dự án Tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã xuất hiện biển công trường đang thi công và một số ống cống đặt trên mặt đường. Hai ngày sau (ngày 13/1/2019), đoạn đường này chính thức bị phong tỏa khi đất đổ tràn ra toàn bộ mặt đường khiến các phương tiện không thể lưu thông qua cầu Thái Hà. UBND tỉnh Thái Bình đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạm dừng thu phí cầu Thái Hà do Dự án Tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa được nghiệm thu bàn giao.

Không thu được phí, BOT Cầu Thái Hà vẫn chưa thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận, mặc dù đã được thông xe kỹ thuật từ tháng 11/2016.

Tiền “tươi” đang cạn dần

Tình trạng chưa có doanh thu, lợi nhuận từ công tác thu phí không phải là khó khăn duy nhất đối với BOT Cầu Thái Hà, Công ty đang trong tình trạng cạn dần tiền “tươi”.

Cụ thể, tính đến thời điểm cuối năm 2018, khoản mục tiền và tương đương tiền của Công ty chỉ còn khoảng 66,5 triệu đồng, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm (1,6 tỷ đồng). Ngoài nguyên nhân chính là không có doanh thu, lợi nhuận, Công ty vẫn phải chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để hoàn thiện các hạng mục phụ của Dự án và thanh toán chi phí lãi vay. Cụ thể, Công ty đã chi ra hơn 300 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và hơn 50 tỷ đồng để trả lãi nợ gốc vay trong năm 2017, 2018.

Ngoài khoản vay hơn 1.038 tỷ đồng từ Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Hà Nam, Công ty cũng đang vay 31,8 tỷ đồng từ cổ đông lớn Công ty TNHH Tiến Đại Phát (tính đến thời điểm 31/12/2018) để bù đắp thiếu hụt tiền mặt.

Không có tiền sẽ khiến Công ty gặp rất nhiều áp lực trong việc thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn như tiền gốc và lãi vay ngân hàng, tiền hàng cho nhà cung cấp, tiền lương cho công nhân..., nhất là trong trường hợp các dự tính kết quả kinh doanh năm 2019 không thành hiện thực.

Năm 2019, Công ty CP BOT Cầu Thái Hà dự kiến doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 88 tỷ đồng và 2,27 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục