Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc: Hành trình từ nhà thầu đến nhà đầu tư dự án khủng

(BĐT) - Trong 15 năm từ khi thành lập, Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc nổi tiếng với nhiều dự án, gói thầu lớn, từ vai trò nhà đầu tư BOT, nhà thầu xây lắp, đến nhà đầu tư BT. Đi liền với hồ sơ trúng thầu khủng, Tuấn Lộc cũng dính không ít tai tiếng ở những dự án BOT lớn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Hồ sơ trúng thầu khủng

Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc được thành lập năm 2005 với tên gọi Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tuấn Lộc, đổi sang tên gọi hiện nay từ năm 2008. Hiện Tuấn Lộc đặt trụ sở chính tại TP.HCM. Ông Trần Tuấn Lộc là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời là cổ đông sở hữu cổ phần lớn nhất của công ty này.

Theo giới thiệu trên trang web của Tuấn Lộc, doanh nghiệp này đã trúng thầu nhiều công trình, dự án lớn như Dự án Đầu tư Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 6 – Đồng Nai; Dự án đầu tư xây dựng Khu công Nghiệp Tuấn Lộc - Khu kinh tế Đông Nam - tỉnh Nghệ An; cầu Sài Gòn 2; thầu phụ thi công Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; cầu Cổ Chiên; một số gói thầu thuộc Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội (TP.HCM)…

Đặc biệt, Tuấn Lộc được biết đến với vai trò nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (2.713 tỷ đồng), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (9.668,5 tỷ đồng).

Cái tên Tuấn Lộc cũng được biết nhiều với những thương vụ mua cổ phần của nhiều doanh nghiệp xây dựng lớn, trong đó phải kể đến mua 51,5% cổ phần của Cienco 4 hồi năm 2014, qua đó, trở thành nhà thầu song hành cùng Cienco 4 trong nhiều cuộc thầu lớn.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu của Báo Đấu thầu về những kết quả lựa chọn nhà thầu đã công bố, với vai trò nhà thầu xây lắp, trong 3 năm qua Tuấn Lộc là nhà thầu độc lập hoặc là thành viên liên danh trúng 5 gói thầu với tổng giá trúng thầu khoảng 800 tỷ đồng. Gần đây nhất, tháng 12/2018, Tuấn Lộc liên danh với Công ty TNHH Phúc Hiếu trúng Gói thầu số 5 thuộc Dự án Đường kết nối vào cảng Phước An (đoạn từ Đường 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với giá trúng thầu 171,88 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Tuấn Lộc

Không chỉ là nhà đầu tư BOT, Tuấn Lộc cũng đã lấn sân sang mảng đầu tư theo hình thức hợp đồng BT với việc đề xuất thực hiện 2 dự án BT lớn tại Đồng Nai. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến Quốc lộ 1K, TP. Biên Hòa, tổng mức đầu tư là 518,874 tỷ đồng và Dự án Đầu tư xây dựng đường Phước Bình đoạn từ Quốc lộ 51 đến Khu công nghiệp Phước Bình gần 493 tỷ đồng. Tuấn Lộc sau đó được chỉ định thực hiện cả 2 dự án do sau sơ tuyển chỉ có một mình lọt vào danh sách ngắn. Hợp đồng 2 dự án được ký kết tháng 12/2018. Thực hiện 2 dự án này, Tuấn Lộc có thể sẽ được thanh toán bằng quỹ đất hơn 230 ha tại Đồng Nai.

Thống kê sơ bộ có thể thấy ở thời điểm hiện tại, Tuấn Lộc đang phải dành nguồn lực thực hiện nhiều dự án, gói thầu lớn, như dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, 2 dự án BT tại Đồng Nai, Gói thầu số 5 thuộc Dự án Đường kết nối vào cảng Phước An kể trên…

Không ít lùm xùm

Liên danh Cienco 4 - Tuấn Lộc - Công ty CP Trường Lộc là nhà đầu tư được chỉ định thực hiện Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về những sai phạm của Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, các thành viên của Liên danh chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện theo yêu cầu đối với nhà đầu tư. Từ ngày 1/12/2014 đến ngày 22/6/2015, các thành viên của Liên danh góp được 350 tỷ đồng, trong đó Cienco 4 góp toàn bộ số vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án, Tuấn Lộc và Công ty cổ phần Trường Lộc không thực hiện góp vốn, sai với cam kết hợp đồng.

Tuấn Lộc là thành viên đứng đầu liên danh 6 nhà đầu tư được chỉ định thực hiện Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tỷ lệ góp vốn của Tuấn Lộc tại doanh nghiệp dự án là 30%. Đầu năm 2019, trước nguy cơ Dự án vỡ tiến độ, Lãnh đạo Chính phủ đã phải vào cuộc tháo gỡ và theo Bộ Giao thông vận tải, trách nhiệm chính thuộc về nhà đầu tư.

Ở vai trò nhà thầu, Tuấn Lộc là nhà thầu thi công đoạn tuyến bị sụt lún chỉ sau hơn 1 tháng thông xe (đoạn Km25+060 - Km28+760) thuộc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Tỷ lệ sở hữu của Tuấn Lộc tại các công ty liên doanh, liên kết

Năng lực tài chính ra sao?

Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của Công ty đạt 5.153 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả là 2.236 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.827 tỷ đồng. Tương ứng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đạt 0,8% - một con số đặc biệt ấn tượng nếu so với các doanh nghiệp khác cùng ngành. Điều này phần nào cho thấy tiềm lực tài chính “khủng” của Tuấn Lộc.

Còn về bên kia bảng cân đối kế toán, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn 844,6 tỷ đồng. Đặc biệt là khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con, công ty liên kết và liên doanh với giá trị 3.195 tỷ đồng.

Được biết, Tuấn Lộc hiện đang là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp có quy mô “khủng”. Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, Tuấn Lộc hiện còn nắm giữ 19% vốn điều lệ của Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1); 33,33% vốn điều lệ tại Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC); 17,17% vốn điều lệ tại Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam (EVN Development); 9,6% vốn điều lệ Công ty CP Vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBC); 21,35% vốn điều lệ Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh và nhiều doanh nghiệp khác.

Trước đó, Tuấn Lộc đã từng nắm giữ 51,5% cổ phần của Cienco 4 - một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường, hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, sau đó Công ty này đã thoái toàn bộ vốn vào đầu năm 2016.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2017 lần lượt đạt 1.500 tỷ đồng và 125,5 tỷ đồng.

Các gói thầu Tuấn Lộc được công bố trúng thầu từ tháng 5/2016 đến nay

Tin cùng chuyên mục