Đề xuất cho Vietnam Airlines, VNPT tự chủ lương

Mức lương cơ bản của lãnh đạo Vietnam Airlines, VNPT, VATM dự kiến thấp nhất 40 triệu đồng và cao nhất 70 triệu đồng.
Vietnam Airlines muốn chủ động trả lương phi công.
Vietnam Airlines muốn chủ động trả lương phi công.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thưởng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNTP), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

Theo đó, các doanh nghiệp trên được tự chủ lập kế hoạch, tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng thang bảng lương (kể cả với người quản lý). Nhưng khi dư thừa lao động, người có thẩm quyền tuyển dụng phải chịu trách nhiệm, trong đó thậm chí có việc bị giảm lương, cắt thưởng.

Lương của người lao động được hưởng chung quỹ theo đơn giá tiền lương khoán. Trong đó đơn giá tiền lương khoán theo chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh phản ánh hao phí lao động và năng suất của từng đơn vị, ví dụ VNPT theo tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương, Vietnam Airlines theo tấn hàng hóa, km và hành khách luân chuyển, VATM theo km điều hành bay.

Đồng thời, các doanh nghiệp được bổ sung một phần lương của lao động đặc thù vào đơn giá khoán do giai đoạn 2016-2018 đã trả thấp hơn thị trường. Hiện nay VNPT trả lương cho một số lao động công nghệ cao bằng khoảng 70% so với thị trường, Vietnam Airlines trả lương cho phi công là người Việt Nam bằng 60% so với phi công là người nước ngoài.

Quỹ tiền lương hằng năm được xác định trên đơn giá tiền lương khoán ổn định và chỉ tiêu tính đơn giá khoán, gắn với mức tăng, giảm lợi nhuận hàng năm. Nếu lợi nhuận thấp hơn thì phải giảm trừ quỹ tiền lương nhưng vượt thì được tính thêm tối đa 2 tháng lương.

Về tiền lương của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, dự thảo đề xuất mức lương cơ bản được quy định thấp nhất 40 triệu đồng và cao nhất 70 triệu đồng, dựa trên cơ sở khoảng 30-35% mức lương chức danh tương đương trên thị trường.

Đồng thời để khuyến khích các công ty hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận thì cho phép tính thêm tiền lương của người quản lý như người lao động (thêm tối đa 2 tháng lương một năm).

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thí điểm các đề xuất này từ năm 2019 đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lý do lựa chọn các doanh nghiệp trên do có đại diện doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và đại diện doanh nghiệp cổ phần chi phối của Nhà nước, là cơ sở để quy định chính sách tiền lương chung với doanh nghiệp nhà nước. Các đơn vị này ngoài kinh doanh theo nguyên tắc thị trường còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị về chủ quyền, an ninh, quốc phòng, lao động có yếu tố đặc thù.

Tin cùng chuyên mục