Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ hàng loạt vướng mắc về tài chính

Những kiến nghị xoay quanh chính sách cho cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và xây dựng quỹ hưu trí tự nguyện đã thu hút được sự quan tâm của giới DN, bởi đây là các cơ chế gián tiếp tạo ra nguồn vốn và động lực phát triển dài hạn cho DN một cách bền vững.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hạn chế ‘cào bằng’, cần phân biệt các khuyến khích tài chính

Hội nghị đối thoại giữa DN và các bộ, ngành do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức chiều 4/12 tại TPHCM đã thực sự ghi nhận những ý kiến đáng chú ý của giới DN, doanh nhân. Trong đó, hầu hết đều đồng tình rằng, bên cạnh năng lực tự thân của DN, thì rõ ràng vốn là yếu tố đầu vào quan trọng với đại đa số các nhà kinh doanh hiện nay.

Thực vậy, trong các tiêu chí để đánh giá mức độ khởi nghiệp và sáng tạo của một quốc gia thì chỉ số đo lường mức độ sẵn sàng của nguồn vốn trong nền kinh tế được nhắc tới đầu tiên, cho thấy khả năng DN có thể tìm kiếm nguồn vốn ở các giai đoạn phát triển khác nhau ra sao và đặc biệt nguồn vốn lại là yếu tố vô cùng quan trọng với các start-up.

Tuy nhiên, theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), đây lại là một trong những điểm mà nền kinh tế Việt Nam còn tương đối yếu. Vì vậy, để huy động được nguồn vốn cho DN khởi nghiệp sáng tạo gắn với công nghệ số, cần có chính sách khuyến khích đầu tư mạo hiểm. “Chủ đề này đã nói nhiều lần, nhưng chuyển biến còn tương đối chậm. Đến nay cũng chưa có khuyến khích đầu tư mạo hiểm từ khối tư nhân cho DN khởi nghiệp sáng tạo”.

Ngoài ra, đại diện BSSC cũng cho rằng, các quy định pháp lý về hướng dẫn các nhà đầu tư rót tiền vào và rút vốn ra khỏi nhóm DN khởi nghiệp chưa thật rõ ràng và minh bạch, khiến hiện tượng “chảy máu” start-up về hướng các quốc gia lân cận ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM bày tỏ lo ngại trước mục tiêu đạt được 500.000 DN của TPHCM đến năm 2020. Bởi hiện nay chính sách hỗ trợ khởi nghiệp còn quá chậm, nhất là nguồn vốn cho start-up. DN hiện vẫn còn gặp hạn chế khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong đó tài sản thế chấp là một rào cản khó vượt qua để gặp được các nhà cho vay.

Hồi đáp quan điểm này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, hiện nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đang rất dồi dào. Cơ chế thị trường với rất nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đang cạnh tranh nhau rất quyết liệt. “Nếu có những DN đi đến ngân hàng nào cũng bị từ chối thì cũng phải xem lại mình, vì NHTM cũng đang ‘đỏ mắt’ đi tìm DN tốt để cho vay”, ông Tú nhận xét và cho biết thêm, ngành ngân hàng đã không còn đặt tài sản thế chấp là điều kiện tiên quyết trong cho vay nữa. Các NHTM thường chỉ yêu cầu tài sản thế chấp khi không đánh giá được năng lực tài chính và dòng tiền của DN…

Dù vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú vẫn khẳng định “thẩm quyền cho vay là của các NHTM, các cấp quản lý Nhà nước không thể can thiệp được!”.

Riêng về gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: “Đã là chính sách ưu tiên thì phải đúng đối tượng, nếu ai cũng vào được thì không phải là ưu tiên nữa”.

Lối ra cho ‘đầu vào’ của DN

Đại diện cho các DN khu vực tài chính, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, đồng thời là Phó Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng, để gỡ dần khó khăn về nguồn tiền đầu vào cho DN nói chung, cần tìm cơ chế để đa dạng hóa dòng vốn này, để DN vừa giảm phụ thuộc hỗ trợ từ ngân sách, vừa giảm được chi phí tài chính do đi vay tiền ngân hàng. Trong đó, nhất thiết phải phát triển được thị trường vốn, với hai nội dung quan trọng là cổ phần hóa DNNN và xây dựng quỹ hưu trí.

Theo ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc Điều hành Tập đoàn VinaCapital, giới đầu tư hiện rất quan tâm đến cổ phần hóa DNNN. Quá trình này sẽ sôi động hơn, thu hút nhiều dòng vốn lớn hơn nữa nếu các DNNN xây dựng lộ trình chi tiết có ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, được khuyến khích bán ra tỉ lệ cổ phần nhiều hơn ngay trong đợt IPO đầu tiên.

Cũng theo ông Dương, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng khá tốt với VN-Index đang tiến sát mức 1.000 điểm. Dòng vốn FII chảy vào thị trường này từ đầu năm đến nay đã vượt 1 tỷ USD. Tuy vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có nhiều sự lựa chọn về hàng hóa, các cổ phiếu tốt đã hết room ngoại. Còn lượng cổ phần bán ra ở các đợt IPO DNNN chỉ dao động từ 5-15%, tức “rất khó thu hút các nhà đầu tư tổ chức lớn tham gia rót vốn cải thiện hoạt động công ty, tăng tính minh bạch và cạnh tranh cho DN”.

“Nếu các DNNN công bố lộ trình cụ thể giảm sở hữu Nhà nước về 0% sẽ rất hấp dẫn!”, ông Dương nêu đề xuất cụ thể.

Cũng từ phía tiếng nói của nhóm DN ngành tài chính, các đại diện từ VinaCapital cho rằng, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích người dân tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện. Bởi quỹ này có mối liên hệ mật thiết đến sự ổn định của thị trường chứng khoán - nơi được kỳ vọng sẽ san sẻ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng trong tài trợ vốn cho nền kinh tế.

Còn như hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các thị trường chứng khoán trên thế giới có rất ít nhà đầu tư tổ chức. Hơn 70% lượng nhà đầu tư là cá nhân nên dễ gây ra các đợt biến động và tình trạng làm giá cổ phiếu. Vì vậy sự có mặt của các quỹ hưu trí với vai trò là nhà đầu tư tổ chức trong nước sẽ vô cùng cần thiết.

Các quỹ hưu trí cũng thể hiện thông điệp mạnh mẽ về niềm tin đối với kinh tế Việt Nam, và xa hơn, quỹ hưu trí cũng giúp giảm gánh nặng cho quỹ lương hưu hiện nay.

Điều quan trọng để xây dựng quỹ hưu trí thành công là hành lang pháp lý dành cho các đối tượng tham gia xây dựng quỹ cần hấp dẫn hơn. Cụ thể, mức giảm trừ cho phần tiền đóng quỹ (miễn thuế thu nhập cá nhân) của người lao động cần được nâng từ 1 triệu đồng/tháng như quy định hiện nay lên 4 triệu đồng/tháng (như cách tính của các nước khác dựa trên GDP đầu người). DN cũng có thể đóng thêm quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động ở mức 4 triệu đồng/tháng, và phần này cũng cần được xem là chi phí được khấu trừ thuế cho DN…

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định “sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến, lập báo cáo tổng thể và đề xuất Thủ tướng, trước hết là hoàn thiện và xây dựng các thể chế có liên quan theo đúng tinh thần của chính phủ kiến tạo” - một chính phủ quan tâm đầu tiên đến xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý cho DN và người dân kinh doanh theo pháp luật.

Tin cùng chuyên mục