EVFTA - Động lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào EU

(BĐT) -Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu  (EU) với chủ đề: “Thương mại nông sản, đối tác phát triển bền vững” tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU  (EVFTA) được xem xét thông qua thời gian tới sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản nước ta vào EU. 
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU diễn ra sáng ngày 6/12/2018.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU diễn ra sáng ngày 6/12/2018.

Đây là sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn EU tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận và tìm kiếm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường đầy tiềm năng này.

Các chuyên gia châu Âu nhận định nông sản Viêt Nam là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang châu ÂU. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU với các sản phẩm như: Hạt điều, cà phê, thanh long…

Đồng tình với đánh giá này, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bày tỏ: “EU là một thị trường tiềm năng với thương mại, trong đó có nông sản của Việt Nam”. Các nước EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2016. Trong 11 tháng năm 2018, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường này cũng gia tăng.  Đặc biệt, xuất khẩu nông sản Việt Nam được dự báo là sẽ có triển vọng phát triển mạnh mẽ khi EVFTA dự kiến sẽ được xem xét thông qua trong thời gian tới.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, số lượng các DN xuất khẩu nông sản vào thị trường này còn khiêm tốn, khoảng 600 DN, quy mô xuất khẩu hàng hóa còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều DN còn lo ngại những rào cản về kỹ thuật, chi phí thủ tục hành chính…Ông Paolo Lemmar, tham tán Thương mại Italia lại nhìn nhận, việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam để quảng bá tới thế giới còn hạn chế, riêng lẻ, thiếu tính kết nối khiến nhiều sản phẩm tốt nhưng lại không được người tiêu dùng EU biết đến.

Tìm giải pháp cho vấn đề này, đại diện Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương cho rằng, muốn thúc đẩy xuất khẩu nông sản hiệu quả sang thị trường EU, các DN cầ phải có tư duy thị trường với việc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về đặc điểm thị trường để có hướng đi phù hợp. Đại diện các tham tán thương mại đến từ các nước thuộc EU gợi ý, các DN xuất khẩu ông sản phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm, đưa công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy phát triển các sản phẩm gắn với hình ảnh của sự bền vững.

Là một DN hiện đang xuất khẩu thành công sản phẩm nông sản Việt Nam vào thị trường EU, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công Ty TNHH Sản Xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam khuyến nghị các DN xuất khẩu nông sản vào thị trường này cần phải có tư duy mới về sản xuất an toàn, sản xuất sạch với việc đầu tư bài bản, kiểm soát nghiêm ngặt về mặt chất lượng sản phẩm. “Đây là con đường đi dài nhưng là hướng đi bắt buộc để DN có thể phát triển bền vững”, bà Huyền nói.

Với EVFTA chuẩn bị được thông qua, một số mặt hàng sẽ có thuế suất giảm sâu, ông Công nhìn nhận đây là cơ hội quý đối DN xuất khẩu cần chủ động tái cơ cấu để nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh xuất khẩu nông sản thô thì các DN cần đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị hàng hóa gắn với phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục