Khi “ông lớn” xin lùi tiến độ cổ phần hóa

(BĐT) - Vừa “chân ướt, chân ráo” về với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không ít “ông lớn” như: Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Tổng công ty Phát điện 1; Tổng công ty Phát điện 2… mới đây đã đồng loạt có văn bản đề nghị điều chỉnh “lùi” tiến độ cổ phần hóa (CPH). 
Tổng công ty Phát điện 1 đề xuất lùi tiến độ cổ phần hóa tới năm 2021. Ảnh: Duyên Hải
Tổng công ty Phát điện 1 đề xuất lùi tiến độ cổ phần hóa tới năm 2021. Ảnh: Duyên Hải

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh lâu nay có thể bị chậm lại, cơ hội kinh doanh của khu vực tư nhân có nguy cơ tuột mất. 

Đồng loạt xin điều chỉnh tiến độ

Giữa tháng 1/2019, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền báo cáo về tình hình điều chỉnh danh mục, tiến độ CPH của doanh nghiệp (DN) này. Theo báo cáo, MobiFone là DN thuộc danh sách các đơn vị phải CPH (hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng - IPO) trong năm 2018, nhưng do một số vướng mắc trong việc thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra Dự án MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG nên công tác CPH chưa được thực hiện trong năm 2018. Để CPH thành công, MobiFone cho rằng, DN cần xem xét yếu tố thị trường và công tác chuẩn bị liên quan đến chọn nhà tư vấn, xác định giá trị DN và xây dựng phương án CPH… “Thời gian thực hiện CPH MobiFone cần khoảng 20 tháng. Do đó, dự kiến thời gian thực hiện và hoàn thành CPH MobiFone là 2019 - 2020”, báo cáo cho biết.

Với mốc thời gian dự kiến, MobiFone đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép DN được điều chỉnh thời gian thực hiện CPH phù hợp với thực trạng.

Không chỉ MobiFone, theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1), Tổng công ty Phát điện 2 (Genco2) cũng có văn bản xin lùi thời hạn hoàn thành CPH thay vì mốc thời điểm phải hoàn thành CPH trong năm 2018. Cụ thể, Genco1 đề xuất lùi tiến độ CPH tới năm 2021; còn Genco2 xin lùi tới năm 2020.

Tương tự, bên cạnh các thương vụ IPO đã phần nào xác định được mốc thời gian cụ thể, thì vẫn còn nhiều kế hoạch CPH của các “ông lớn” như: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị; Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam… liên tục lỡ hẹn. Lý do chung được các DN đưa ra là vướng mắc trong công tác CPH công ty mẹ, xác định giá tài sản, xác định giá trị doanh nghiệp (đất đai, thương hiệu…). 

Không để lỡ cơ hội của khu vực tư nhân

Lo ngại chậm trễ tiến độ CPH DN nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhấn mạnh, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong thúc đẩy tiến độ CPH DN nhà nước cần phải có sự đột phá.

Theo ông Hải, khi công tác CPH không đạt tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn lực cho phát triển đất nước. Các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phần đầu tư thì phải chờ đợi, đôi khi làm lỡ mất cơ hội kinh doanh. “Hiện các dự án đầu tư mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… thực hiện đều có suất đầu tư cao, tiến độ chậm hơn rất nhiều so với khu vực tư nhân”, ông Hải dẫn chứng.

Đồng tình với góc nhìn này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Khi các DN xin lùi tiến độ CPH như vậy rõ ràng ảnh hưởng đến mục tiêu CPH, thoái vốn DN nhà nước và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Môi trường kinh doanh cũng kém hấp dẫn...”.

Về động thái của “siêu” Ủy ban trong việc thúc đẩy tiến độ CPH DNNN, ông Hải nhìn nhận: “Gần như từ khi thành lập tới nay cơ quan này vẫn “im ắng”, chưa có chương trình hành động cụ thể thúc đẩy tiến trình này”.

Để cải thiện tình trạng này, Chính phủ nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến việc hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, để tạo bứt phá mạnh mẽ trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại DN nhà nước và phát triển DN, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt triển khai.

Tại cuộc họp đánh giá hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN những ngày đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ rõ nhiệm vụ đối với “siêu” Ủy ban. Đó là, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ CPH các DN quy mô lớn trực thuộc theo quy định; tiến độ triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quy chế tài chính, Đề án cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Phó Thủ tướng dứt khoát: “Việc nhận bàn giao các tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban chưa phải đã xong, còn cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, cùng các DN tìm ra các phương hướng, chiến lược để đạt được hiệu quả cao nhất”.

Nêu giải pháp thúc đẩy CPH, nhiều chuyên gia tài chính nhấn mạnh, DN thuộc diện CPH cũng như các bên liên quan cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để triển khai thực hiện. Đối tượng nào để chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ CPH cần bị xử lý nghiêm bằng việc kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí cách chức hoặc thay thế.

Tin cùng chuyên mục