Lạ kỳ những thương vụ của Xi măng Sài Sơn

(BĐT) - Để giảm áp lực vay nợ, Công ty CP Xi măng Sài Sơn (mã chứng khoán SCJ) sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản vay với ông Nguyễn Sỹ Tiệp - Chủ tịch Công ty. Đồng thời, Xi măng Sài Sơn cũng trình phương án bỏ ra tới gần 400 tỷ đồng để mua lại công ty của ông Nguyễn Sỹ Tiệp và người nhà.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chủ tịch nắm quyền chi phối

Xi măng Sài Sơn vừa công bố tài liệu lấy ý kiến của ĐHĐCĐ bằng văn bản bao gồm nhiều nội dung. Trong đó, nội dung đáng chú ý là việc ban lãnh đạo Xi măng Sài Sơn trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch thu xếp vốn bằng việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá trị 183,230 tỷ đồng để cấn trừ toàn bộ khoản nợ của Công ty với ông Nguyễn Sỹ Tiệp.

Giá hoán đổi được xác định dựa theo trung bình của mức giá tính theo giá trị sổ sách tại thời điểm 30/6/2018 (14.133 đồng/CP) và giá đóng cửa bình quân 20 phiên từ 23/8/2018 đến 20/9/2018 (2.840 đồng/CP) là 8.487 đồng/CP. Sau khi thỏa thuận, mức giá hoán đổi được ông Tiệp và Công ty đưa ra đúng bằng mệnh giá là 10.000 đồng, gấp hơn 3 lần mức giá được giao dịch trên thị trường chứng khoán là 2.700 đồng/CP.

Với tỷ lệ hoán đổi là 1:10.000, tức một cổ phiếu sẽ hoán đổi 10.000 đồng nợ, ông Tiệp sẽ có thêm 18.323.000 cổ phiếu SCJ. Cộng thêm 1.578.326 cổ phiếu SCJ hiện đang nắm giữ, ông Tiệp và vợ là bà Hoàng Thị Long sẽ sở hữu tổng cộng 19.901.326 cổ phiếu SCJ và chiếm 52,5% vốn của Xi măng Sài Sơn.

Không chỉ có vậy, ĐHĐCĐ bất thường lần này cũng trình phương án để ông Tiệp và người có liên quan nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến tỷ lệ sở hữu tối đa là 80% cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai cổ phiếu của Công ty.

Việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ khoản nợ vay của Công ty với ông Tiệp chỉ mang yếu tố kỹ thuật khi làm tăng vốn điều lệ và giảm nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán cùng một giá trị là 183,230 tỷ đồng, nhưng sẽ không tạo thêm “tiền tươi thóc thật” cho Công ty. Tại thời điểm cuối quý II/2018, khoản mục tiền tệ của Công ty là 0,5 tỷ đồng, nợ phải trả lên đến 992,4 tỷ đồng, gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu.

Thương vụ đắt đỏ

Một nội dung đáng chú ý khác mà ban lãnh đạo Xi măng Sài Sơn trình thông qua ĐHĐCĐ lần này là việc mua lại số vốn 86,7% vốn điều lệ của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Sài Sơn II với giá 29.500 đồng/CP và chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Xi măng Sài Sơn. Qua đó, Công ty sẽ mua lại 13 triệu cổ phần của Xi măng và Xây dựng Sài Sơn II từ ông Tiệp (12.950.000 cổ phần) và người thân ông Tiệp, bà Nguyễn Thu Hằng (50.000 cổ phần). Bằng một phép tính đơn giản có thể tính ra số tiền mà ông Tiệp và bà Hằng nhận được từ thương vụ này là 383,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2018 của Xi măng Sài Sơn, tại thời điểm cuối quý II/2018, Công ty đang nắm giữ 40% vốn điều lệ Công ty CP Xi măng và Xây dựng Sài Sơn II, tương ứng với giá trị 20 tỷ đồng và số trích lập dự phòng là hơn 0,46 tỷ đồng. Báo cáo cũng cho biết, Xi măng Sài Sơn hiện chưa xác định giá trị hợp lý của khoản đầu tư này do Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá trị hợp lý.

Chưa rõ làm sao ông Tiệp và bà Hằng có thể nắm giữ 86,7% vốn điều lệ của Xi măng và Xây dựng Sài Sơn II trong vòng 3 tháng trở lại đây, nhưng trong thương vụ này giá trị của Xi măng và Xây dựng Sài Sơn II đã gấp 8,8 lần so với giá mà Xi măng Sài Sơn đã mua trước đây.

Xi măng và Xây dựng Sài Sơn II hiện đang là khách hàng lớn của Xi măng Sài Sơn với khoản phải thu lên đến 127 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục