Rộng cửa thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo

(BĐT) - Dự thảo Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã đề xuất nhiều cơ chế khuyến khích, ưu đãi vượt trội để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (KNST). 
Năm 2018, Bộ KH&ĐT đã có sáng kiến khởi động Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam
Năm 2018, Bộ KH&ĐT đã có sáng kiến khởi động Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam

Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) cho rằng, NIC sẽ là cánh cửa rộng để Việt Nam thu hút thêm được nhiều nguồn lực thúc đẩy KNST.

Được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp trong 24 giờ

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp là hai trong các yếu tố cần thiết cho sự thành công của NIC, nên tại Dự thảo Đề án, Bộ KH&ĐT đề xuất một loạt những cơ chế khuyến khích, ưu đãi vượt trội đối với Trung tâm và các cá nhân, tổ chức hoạt động tại đây. Trong đó có 4 nhóm biện pháp khuyến khích, ưu đãi vượt trội.

Một là, đối với NIC và Quỹ ĐMST quốc gia, Dự thảo Đề án đề xuất, được giao đất không thu tiền sử dụng đất tối đa 50 năm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, được miễn toàn bộ chi phí liên quan đến đất, bao gồm cả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án. Cùng với đó, được miễn thuế thu nhập DN 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; cán bộ quản lý, chuyên gia làm việc tại Trung tâm được giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp...

Hai là, nhóm ưu đãi với DN KNST và DN KNST trong NIC. Cụ thể, DN KNST được hưởng các cơ chế vượt trội như: được giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp; được nhận tài trợ nghiên cứu và phát triển từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ, các tổ chức trong nước và nước ngoài; được thực hiện các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ theo cơ chế ưu tiên (fast-track). Riêng các DN KNST đăng ký hoạt động trong NIC còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN như NIC; được miễn thuế nhập khẩu cho các hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; không phải ghi ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập DN; được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN trong vòng 24 giờ kể từ khi cung cấp đủ thông tin cần thiết cho Trung tâm…

Ba là các ưu đãi, khuyến khích đối với công tác hỗ trợ ĐMST của NIC. Đó là DN được miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị nhập khẩu để lắp đặt, tạo thành các phương tiện phục vụ nghiên cứu và phát triển, ĐMST theo chức năng, nhiệm vụ của NIC (phòng thí nghiệm, thiết bị chế tạo sản phẩm mẫu, hệ thống mô phỏng); miễn tất cả các thủ tục hành chính đối với xây dựng, lắp đặt các thiết bị...

Bốn là các nhà đầu tư và DN KNST trong NIC còn được giảm 50% thuế chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn trong DN nếu đầu tư trên 2 năm; hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần đối với nhà đầu tư có vốn nước ngoài áp dụng như nhà đầu tư trong nước.

Ông Trần Quang Tân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ FIRSTLINK cho rằng, đó là những nhóm cơ chế rất cần thiết, vượt trội so với những quy định hiện hành. “Đây là những cơ chế hấp dẫn, hỗ trợ rất lớn cho các cá nhân, DN KNST”, ông Tân nhận xét và hy vọng những cơ chế này sẽ không chỉ giúp NIC mà còn giúp Việt Nam thu hút tốt nguồn lực, đặc biệt là giữ chân được nhân tài.

Tin tưởng NIC sẽ trở thành địa chỉ tạo đột phá thúc đẩy KNST tại Việt Nam, ông Tân phấn khởi: “Hiện có nhiều người bạn của tôi ở nước ngoài rất muốn về nước khởi nghiệp và NIC sẽ là một cơ sở quan trọng”.

Trước đó, trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ, những thể chế vượt trội của NIC phải đồng hành cùng các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ thúc đẩy KNST. 

Cần sự chung tay

Theo Dự thảo Đề án, NIC dự kiến được đặt tại Khu nghiên cứu và phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích khoảng 23 ha, giáp với Đại học FPT. Tổng vốn đầu tư cho công trình trụ sở Trung tâm khoảng 1.700 tỷ đồng, gồm 6 phân khu chức năng chính.
Để NIC thực sự là tổ chức kết nối các bên có liên quan, tạo thành hệ sinh thái ĐMST, Dự thảo Đề án đã nhấn mạnh vai trò của khâu tổ chức thực hiện, trong đó, chỉ ra trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành. Bộ KH&ĐT sẽ làm đầu mối, chịu trách nhiệm triển khai các nội dung của Đề án; định kỳ 6 tháng báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các  vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp để bảo đảm thực hiện thành công; xây dựng Đề án thành lập NIC trở thành đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; vận động, thu hút các doanh nhân và DN KNST, các công ty công nghệ, công ty hỗ trợ ĐMST, quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài… Năm 2018, Bộ KH&ĐT đã có nhiều sáng kiến triển khai như: Khởi động kết nối mạng lưới ĐMST Việt Nam; tổ chức các sự kiện giới thiệu về NIC…

Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc hỗ trợ Bộ KH&ĐT thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng đối với dự án xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp của NIC; bàn giao đất cho NIC ở vị trí đề xuất; chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, nâng cao năng lực hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư; hợp tác và hỗ trợ NIC trong các hoạt động của NIC và các DN trong NIC.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các DN viễn thông phối hợp với NIC, DN trong NIC và Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông… Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP. Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện các yêu cầu cần thiết về nhân lực, hạ tầng…, sẵn sàng cho hoạt động của NIC.

Tin cùng chuyên mục