Tài chính Cao su - gánh nặng nợ xấu của Tập đoàn Cao su

(BĐT) - Năm 2018 là một năm quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khi doanh nghiệp này đã thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và tiến tới chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. 
9 tháng đầu 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su mới chỉ hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm
9 tháng đầu 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su mới chỉ hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm

Vậy nhưng 9 tháng năm 2018, Tập đoàn mới hoàn thành chưa tới 30% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm trong khi nợ xấu tăng vọt.

Hơn 436 tỷ đồng nợ xấu

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su là sự gia tăng đột biến của khoản dự phòng phải thu khó đòi. Tại thời điểm cuối quý III/2018, số dư dự phòng phải thu khó đòi của Tập đoàn lên đến 517,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 78,4 tỷ đồng ghi nhận tại thời điểm 1/6/2018. Đi sâu chi tiết, khoản dự phòng này xuất phát từ nợ xấu của “người cũ” là Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam.

Cụ thể, tại thời điểm cuối quý III/2018, tổng phải thu từ cho vay tại Công ty Tài chính Cao su là gần 990 tỷ đồng, bao gồm 938 tỷ đồng từ cho vay khách hàng và gần 52 tỷ đồng từ cho vay theo hình thức repo cổ phiếu. Theo đánh giá của Công ty, giá trị có thể thu hồi từ khoản phải thu này chỉ là 554 tỷ đồng, điều đó cũng có nghĩa là nợ khó đòi ở mức 436 tỷ đồng. Trong khi đó, tại thời điểm 1/6/2018, Công ty vẫn đánh giá có thể thu hồi được toàn bộ khoản phải thu từ cho vay này.

Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam là công ty con, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, công ty này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, kinh doanh thua lỗ dẫn tới mất vốn.

Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1634/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 về việc sáp nhập Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam vào Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tập đoàn Công nghiệp Cao su được kế thừa các nghĩa vụ, quyền và lợi ích từ Công ty Tài chính, song phải tiếp tục xử lý thu hồi nợ và trả nợ, không thực hiện huy động vốn, cho vay, nhận tiền gửi, thanh toán… 

Hoàn thành 23% kế hoạch lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 9 tháng năm 2018 đạt 11.856 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 2.790 tỷ đồng. Về hoạt động tài chính, doanh thu hoạt động tài chính mang về cho Tập đoàn 569,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi khoản chi phí tài chính 566 tỷ đồng, Tập đoàn thu được khoản chênh lệch là 3,6 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí hoạt động (gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) và ghi nhận 589,5 tỷ đồng lợi nhuận chủ yếu từ thanh lý cây cao su, Tập đoàn báo lãi 1.403,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Con số này thấp hơn so với lợi nhuận ròng mà Tập đoàn đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017 là 1.526 tỷ đồng.

Theo bản công bố thông tin phục vụ cho công tác IPO, năm 2018, Tập đoàn dự kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 29.457 tỷ đồng và 6.080 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Tập đoàn mới chỉ hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Sau phiên IPO thất bại vào ngày 2/2/2018 khi Tập đoàn Công nghiệp Cao su chỉ bán được gần 101 triệu cổ phần trên tổng số 475,1 triệu cổ phần đưa ra đấu giá, việc nợ xấu gia tăng nhanh trong thời gian ngắn sẽ là yếu tố tiêu cực cho các đợt thoái vốn tiếp theo của Tập đoàn trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục