Thách thức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

(BĐT) - Sắp bước sang năm 2018 với một loạt hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực là cơ hội lớn để doanh nghiệp (DN) Việt “bơi” ra biển lớn. Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ khi mà phần lớn DN vẫn còn đang phải vật lộn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng chỉ mới cung ứng phụ tùng thay thế, lắp ráp gia công. Ảnh: Nhã Chi
Khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng chỉ mới cung ứng phụ tùng thay thế, lắp ráp gia công. Ảnh: Nhã Chi

Doanh nghiệp Việt khó chen chân trong chuỗi giá trị

Báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố cho biết, kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, một là tiếp tục làm cứ điểm xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp, hai là có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng để đa dạng hóa, vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để mang về giá trị gia tăng cao.

Trước nguy cơ bị thụt lùi về kinh tế, không còn cách nào khác chúng ta phải cố gắng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, “chen chân” như thế nào vào chuỗi giá trị vẫn là câu chuyện nan giải. Việc kết nối DN trong và ngoài nước được nhận định là còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến khu vực DN trong nước còn hạn chế. Điều đáng lo ngại nhất là DN tư nhân rất khó khăn, rất ít DN đủ sức kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện chỉ khoảng 300 DN đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng chỉ mới cung ứng phụ tùng thay thế, lắp ráp gia công chứ chưa phải các sản phẩm chính.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại WTO cho rằng, 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là chỉ tính riêng về hàng hoá. Nếu bao gồm cả dịch vụ thì số DN có thể lớn hơn. Tuy nhiên, dù tính toán như vậy thì nhìn chung số lượng DN có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất hạn chế.

“Nếu xét riêng về thương mại hàng hóa, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,32% toàn bộ thị trường thế giới, trong khi đó dân số chiếm tới 1,3%. Như vậy, có thể thấy nước ta đang còn đi rất chậm trên bước đường này và dư địa khai thác vẫn còn rất lớn”, ông Giám nhận xét.

Theo Tổng thư ký VPSF, để đưa sản phẩm của DN trong nước vào chuỗi cung ứng cần những hành động hết sức cụ thể và mang tính thương mại. Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội đóng vai trò là cầu nối, cần thường xuyên tổ chức đối thoại với các DN FDI có nhu cầu sử dụng sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ, xác định các tiêu chuẩn của DN FDI để kết nối với DN trong nước có đủ năng lực tham gia.

“Cũng đã đến lúc cần phải xây dựng văn hóa và thói quen tiêu dùng, đặt chất lượng của hàng nội bằng, thậm chí cao hơn hàng ngoại để khi hàng hóa trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không còn là trở ngại”, ông Đào Huy Giám khuyến nghị.

Theo ông Giám, cũng cần phải nhìn nhận thực tế là DN Việt hầu hết còn yếu. Nhiều DN còn lúng túng trong giao dịch quốc tế, chưa thông thạo tiếng Anh, còn e ngại rủi ro, không dám đương đầu với thử thách bên ngoài; thiếu từ tầm nhìn đến khả năng tham gia phân công lao động quốc tế…

GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng, trước khi “trách” FDI không tạo được nhiều tác động lan toả, DN Việt cần phải nhìn nhận lại năng lực của mình trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Mại, để phát triển DN trong nước, chúng ta kỳ vọng vào chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chúng ta rất muốn đẩy DN Việt Nam lên tầm mới, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Tuy nhiên, không thể ngồi điều hoà, sofa rồi than vãn tại sao ta mãi không phát triển được, thay vào đó cần chủ động tìm tòi và từng bước nâng cao trình độ.

“Phải thấy rằng chúng ta đang ở trình độ chưa cao, muốn làm công nghiệp hỗ trợ thì phải biết những hạn chế của mình, từ đó mới biết có thể tham gia khâu nào trong chuỗi giá trị. Đứng ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương phải là cơ quan hiểu rõ điều này nhất, từ đó có thể định hướng DN tham gia cho phù hợp. Sau khi tích trữ vốn liếng, kỹ năng rồi mới ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị được”, ông Mại nói. 

Để doanh nghiệp Việt thoát kiếp gia công

Theo WB, Việt Nam có tỷ lệ giá trị xuất khẩu trên GDP cao hơn nhiều nước. Tuy nhiên, DN FDI đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Trao đổi với Báo Đấu thầu, GS. TSKH. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam cho biết, việc khối DN FDI chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng dễ hiểu bởi họ có có tiềm lực tài chính mạnh, đặc biệt là có lợi thế về thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhóm hàng xuất khẩu lớn mà DN FDI đang giành lợi thế phần lớn lại là gia công, lắp ráp như điện thoại và linh kiện; dệt may, da giày; máy tính và linh kiện… “Muốn đất nước phát triển thì phải dựa trên năng lực thực sự của nền kinh tế nội địa”, ông Lược nhấn mạnh.

Theo nhận định của ông Võ Đại Lược, kết nối giữa các DN FDI và DN cung ứng trong nước còn tương đối yếu. Bên cạnh nguyên nhân khách quan đến từ phía các DN FDI, ông Lược cho rằng sự hạn chế trong kết nối này còn đến từ chính phía chúng ta. Cụ thể, với chính sách tỷ giá và lãi suất cao như hiện nay, rất khó để DN Việt Nam có thể cạnh tranh được với các DN cung ứng từ một số nước khác. “Chẳng hạn như DN Nhật, lãi suất nước họ rất thấp. Họ vay vốn và vào Việt Nam đầu tư thì có lợi thế hơn DN chúng ta. Sự kém cạnh tranh là một trong những lý do khiến nhiều DN Việt phải lắc đầu ngao ngán”, ông Lược nói.

Vẫn theo ông Lược, công nghiệp hỗ trợ cũng đòi hỏi hướng ngoại rất mạnh, cần phải có thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, với chính sách tỷ giá như hiện nay thì DN Việt cũng gặp nhiều khó khăn. “Nếu chúng ta không thay đổi cơ chế chính sách, tạo ra đòn bẩy để phát triển DN thì Việt Nam vẫn chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn lắp ráp, giai đoạn cuối có hàm lượng gia tăng thấp”, ông Lược nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục