Thua lỗ, RCC dự kiến bán bớt tài sản

(BĐT) - Hoạt động xây lắp thua lỗ, Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) báo lỗ ròng trước thuế hợp nhất 6 tháng năm 2018 lên tới 77,38 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong quý II, Công ty lỗ ròng trước thuế tới 63,81 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lỗ lớn từ hoạt động xây lắp

6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của RCC chỉ đạt 238,49 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp (chiếm 66,81% doanh thu thuần) đã sụt giảm tới 29,22%, xuống chỉ còn 159,34 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh còn lại như bán hàng hóa, sản xuất công nghiệp, cung cấp dịch vụ… vẫn duy trì hoặc tăng trưởng nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2017.

Không chỉ sụt giảm về doanh thu hoạt động mảng xây lắp, trong 6 tháng đầu năm 2018, RCC còn ghi nhận mức thua lỗ gộp lên tới 47,49 tỷ đồng do hoạt động dưới giá vốn. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến Công ty phải ghi nhận mức thua lỗ lớn trong kỳ cho dù các mảng kinh doanh khác đều báo lãi với biên lợi nhuận thấp. Trong kỳ, Công ty cũng ghi nhận 10,75 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia (8,78 tỷ đồng) và lãi do bán các loại chứng khoán (1,75 tỷ đồng), tăng mạnh so với 6 tháng năm 2017, song vẫn không đủ bù đắp chi phí lãi vay (15,59 tỷ đồng).

Lũy kế nửa đầu năm 2018, RCC ghi nhận mức lỗ ròng trước thuế 77,38 tỷ đồng trong đó lỗ từ hoạt động tài chính là 4,93 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính là 72,01 tỷ đồng và hoạt động khác là 440 triệu đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi ích cổ đông không kiểm soát 6 tháng năm 2018 công ty mẹ lỗ ròng 55,81 tỷ đồng. 

Bán bớt tài sản để trả nợ

Đầu tháng 4/2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thoái vốn thành công 7,42 triệu cổ phần RCC tương ứng với tỷ lệ 48,04% vốn điều lệ Công ty. Giao dịch được thực hiện trong hai ngày 3 và 4/4/2018 với mức giá chuyển nhượng là 23.000 đồng/CP. Cũng ngay trong tháng 4/2018, RCC đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, theo đó đã thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hữu Điểm, ông Bùi Quang Lượng và ông Nguyễn Văn Tuấn đại diện cho phần vốn của Nhà nước, đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên là ông Tại Hữu Diễn, ông Nguyễn Thanh Huyền và ông Phan Quốc Hiếu.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ Công ty đã thông qua phương án chuyển nhượng Khách sạn Quang Phú tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có diện tích 10.000 m2 với lý do trả nợ ngân hàng và tập trung nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh chính.

Năm 2018, RCC đặt kế hoạch doanh thu trên 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 13% vốn điều lệ. Tuy nhiên, với những diễn biến không thuận lợi trong nửa đầu năm 2018 thì nhiều khả năng Công ty sẽ khó có thể hoàn thành được kế hoạch năm. Thị giá cổ phiếu RCC sau phiên giao dịch chuyển nhượng thành công của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã liên tục giảm sàn với mức thanh khoản thấp, hiện tại thị giá cổ phiếu RCC đang dao động quanh 14.300 đồng/CP. Hai cổ đông lớn là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (14,88%) và ông Tạ Hữu Diễn (14,61%) được cho là những cổ đông đã mua lại phần vốn của Nhà nước trong đợt thoái vốn vừa rồi.

Tin cùng chuyên mục