Bán đấu giá 9 lô đất Thủ Thiêm, yếu sẽ không thể… ra gió

TP.HCM vừa công bố sẽ bán đấu giá 9 lô đất khu chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 78.000 m2, giá khởi điểm là 27.000 tỷ đồng. Đặc biệt, việc đấu giá được cho rằng sẽ không dành cho doanh nghiệp “yếu vốn” muốn ôm đất chờ thời.
9 khu đất “vàng” tại Thủ Thiêm đang đợi đấu giá.
9 khu đất “vàng” tại Thủ Thiêm đang đợi đấu giá.

Không “dễ ăn”

Trao đổi về việc bán đấu giá 9 lô đất tại khu Thủ Thiêm đợt này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, vị trí cụ thể của các lô đất nằm tại khu chức năng số 1. Với vị trí trên thì 9 lô đất này được đánh giá là “đất vàng”, rộng 78.000 m2, theo quy hoạch là vùng lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó 6 lô được quy hoạch là khu dân cư đa chức năng, còn lại là đất thương mại, dịch vụ đa chức năng, đã được giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối. Ước tính sơ bộ, tổng mức đầu tư khu chức năng số 1 khoảng 27.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư, tiền sử dụng đất, chi phí hạ tầng kỹ thuật…

Ngoài ra, ông Hoan cho biết, khu chức năng số 1 là vùng lõi của đô thị mới Thủ Thiêm, được bố trí quảng trường trung tâm hiện đại, đại lộ vòng cung với các tòa tháp mật độ cao, cùng nhiều công trình điểm nhấn: trung tâm hội nghị triển lãm; nhà hát giao hưởng và trung tâm thông tin quy hoạch, hồ sinh thái...

Thông tin rõ hơn việc đấu giá này, ông Hoan khẳng định, việc đấu giá 9 lô đất là chọn nhà đầu tư để triển khai ngay dự án chứ không đơn thuần bán đất rồi anh muốn làm gì làm.

“Thành phố làm việc này vì mục tiêu chung, phát triển đô thị chứ không còn mục tiêu nào khác”, ông Hoan cho biết.

Theo ông Hoan, khi nhà đầu tư trúng đấu giá thì phải thực hiện các dự án đầu tư đã được quy hoạch trên mảnh đất đó. Và để được tham gia đấu giá, các nhà đầu tư phải đảm bảo 5 điều kiện.

Thứ nhất, phải đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư của Thành phố chứ không phải mua rồi để đó, làm xấu bộ mặt cảnh quan đô thị; thứ hai, phải có năng lực quản lý dự án; thứ ba, phải có trách nhiệm tham gia đầu tư hạ tầng phục vụ cho chính nhà đầu tư và lân cận; thứ tư, chấp nhận ký quỹ làm tin; thứ năm, khả năng huy động vốn tốt thì mới được bỏ thầu.

Cũng theo ông Hoan, năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá phải được đánh giá kỹ, không thể để doanh nghiệp "cò con" tham gia thực hiện dự án lớn. Nhà đầu tư phải ký quỹ, phải chứng minh năng lực vốn, quan hệ với ngân hàng…

"Đây là một phân khu chức năng, nhưng giá trị ước tính khoảng 27.000 tỷ đồng, nên cần phải cẩn trọng trong các phương án tiến hành. Như vậy, đấu giá là để chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, để xây dựng cho Thủ Thiêm đúng tầm vóc của đô thị này. Quy trình này gồm nhiều khâu, nhiều đoạn, chứ không phải là Nhà nước gom đất để đi bán”, ông Hoan cho biết.

Theo ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP.HCM, việc đấu giá 9 lô đất Thủ Thiêm sẽ được triển khai minh bạch theo quy trình của Thông tư 14 Liên bộ Tài chính - Tư pháp.

Cụ thể, các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ triển khai đo đạc, soi chiếu quy hoạch cho chính xác lô đất này là bao nhiêu. Tiếp đó, sẽ tiến hành định giá và trình UBND TP.HCM mức giá khởi điểm. Cuối cùng là lựa chọn đơn vị tư vấn đấu giá để tổ chức đấu giá công khai.

Giới phân tích thị trường cho rằng, đây là một điểm mới trong việc đấu giá đất tại TP.HCM, bởi trước đó, rất nhiều lô đất được đấu giá thành công nhưng doanh nghiệp trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền trúng đấu giá, không triển khai dự án đã đấu giá thành công. Đơn cử như quỹ đất “kim cương” tại số 23 đường Lê Duẩn, Quận 1. Dù doanh nghiệp trúng đấu giá từ tháng 1/2017, nhưng tới nay khu đất này vẫn nằm im lìm.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc đấu giá đất lần này của TP.HCM có nhiều điểm mới và sẽ không có cửa cho doanh nghiệp vốn ít, muốn dùng chiêu “tay không bắt giặc” bằng việc ôm quỹ đất để đó rồi tìm cách bán lại kiếm lời…

Sở dĩ nên chọn lọc nhà đầu tư, bởi từ trước tới nay, tại TP.HCM có khá nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá và trúng giá nhưng mục đích chính là để có quỹ đất đó rồi tìm đối tác bán lại kiếm lời. Thậm chí, doanh nghiệp trúng đấu giá rồi nhưng ôm quỹ đất chờ thời… làm xấu bộ mặt của Thành phố, cũng như làm ra hiện tượng da beo trong quy hoạch.

Cơ hội hút dòng vốn FDI

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, định hướng trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Để đầu tư xây dựng dự án quy mô này, TP.HCM đã mất hơn 10 năm giải phóng mặt bằng với khoảng 15.000 hộ dân thuộc diện di dời, tái định cư. Hiện TP.HCM vẫn phải đối mặt áp lực trả nợ gốc và lãi vay hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Hiện Khu đô thị Thủ Thiêm đã được đền bù giải tỏa xong 99%, hạ tầng nội khu cũng hoàn thiện hơn 90%, đã có nhiều doanh nghiệp ngoại đổ bộ vào khu vực này.

Đơn cử, mới đây, Tập đoàn Lotte cho biết, đang tích cực chuẩn bị để sớm khởi công xây dựng Dự án Thành phố thông minh Thủ Thiêm (Eco Smart City Thủ Thiêm). Theo kế hoạch, Lotte sẽ triển khai đầu tư xây dựng siêu dự án tỷ đô này trong vòng khoảng 72 tháng, khai thác trong 50 năm với tổng vốn đầu tư (không gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 20.100 tỷ đồng. Nguồn vốn nhà đầu tư thu xếp.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ Quận 1.

Tháng 3/2017, Sunshine Group cho biết, đầu tư vào Khu đô thị Thủ Thiêm với Dự án Sunshine Sky Garden quy mô 3.000 tỷ đồng tọa lạc tại khu 2A thuộc, mặt tiền đường Mai Chí Thọ, quận 2, TPHCM. Sunshine Sky Garden là một tòa tháp đôi cao 36 tầng đối diện hầm Thủ Thiêm, bao gồm tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp, với các tiện ích như siêu thị, nhà trẻ, spa, khu sinh hoạt cộng đồng.

Cuối tháng 12/2017, CII và Hongkong Land đã tiến hành ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án Thủ Thiêm River Park trên quỹ đất lớn tại bán đảo Thủ Thiêm được TP.HCM giao cho theo hình thức ổn định lâu dài và cho thuê trong 50 năm. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 1.140 căn hộ ra thị trường. Tổng vốn tham gia đầu tư vào dự án dự kiến hơn 400 triệu USD…

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM, 9 lô đất được đem ra đấu giá lần này phải là những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt mới có cửa tham gia, bởi những lô đất này lại nằm vị trí “vàng” giá cao, tính cạnh tranh cao và đặc biệt công năng không phải thuộc về nhà ở thương mại… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã đặt ra những bộ lọc khá kỹ càng để chọn lọc nhà đầu tư, nên những đơn vị thường dựa nhiều vào vốn vay ngân hàng để triển khai dự án sẽ không có cửa tham gia.

“Việc chứng minh tài chính thì doanh nghiệp vẫn có thể lách bằng việc chạy dòng vốn vay tạm vào tài khoản để chứng minh tài chính, nhưng để yêu cầu doanh nghiệp trúng giá phải bắt tay ngay vào phát triển dự án thì rất khó, bởi doanh nghiệp phải làm rất nhiều thủ tục cũng như chuẩn bị vốn, xác định thị trường… thì mới có thể phát triển dự án”, ông Hùng nói.

Theo ông Võ Văn Hoan, đây là những dự án lớn. Bên cạnh các nhà đầu tư nội, có thể kêu gọi thêm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá với mục tiêu lớn nhất là lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực triển khai.

Đại diện CBRE Việt Nam nhận định, với tuyên bố trên, chứng tỏ TP.HCM đã tính tới việc kêu gọi nhà đầu tư ngoại tham gia vào thương vụ đấu giá đất lần này. Với quỹ đất và quy hoạch này cũng được cho là “hợp khẩu vị” của nhà đầu tư ngoại khi tham gia phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục