Bịt kẽ hở tham nhũng từ doanh nghiệp sân sau

(BĐT) - Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần hướng đến chặn được tham nhũng, bịt các kẽ hở có thể dẫn đến hành vi này. Trong đó, một trong những đối tượng rất cần lưu ý là những dự án, chương trình đầu tư công và doanh nghiệp sân sau thường xuyên trúng thầu.
Những dự án đầu tư công, dự án liên quan đến đất đai nếu có tham nhũng sẽ thất thoát rất lớn. Ảnh: Nhã Chi
Những dự án đầu tư công, dự án liên quan đến đất đai nếu có tham nhũng sẽ thất thoát rất lớn. Ảnh: Nhã Chi

Luật cần bịt kẽ hở dẫn đến tham nhũng

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An cho rằng, Dự thảo Luật còn nặng về khu vực công mà nhẹ khu vực tư, thiếu toàn diện và vẫn không ngăn ngừa được tham nhũng, thất thoát. Các quy định đưa ra nặng về tìm kiếm sai phạm thông qua kê khai tài sản, tức là tìm kiếm xem tài sản trú ẩn ở đâu, còn nhẹ về phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý về vấn đề tham nhũng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Điều 2 trong Dự thảo Luật với 12 hành vi tham nhũng được quy định thì đã có đầy đủ trong Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, cần đưa vào 2 hành vi rất quan trọng. Thứ nhất là hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng đối với các lĩnh vực về đất đai, tài sản, dự án đầu tư, thuế… Thứ hai là hành vi giả mạo trong công tác để chiếm đoạt tiền và tài sản. Tại Mục 7 quy định hành vi “giả mạo trong công tác vì vụ lợi”, nhưng giả mạo trong công tác để chiếm đoạt tiền và tài sản của Nhà nước cũng là một hình thức giả mạo; chẳng hạn như lập khống các chương trình, dự án, lập khống khối lượng, lập khống hồ sơ để chiếm đoạt thuế… cũng nằm trong nội dung này.

Ông Phớc lưu ý thêm việc ban hành không kịp thời hoặc cố tình không ban hành các chế độ, định mức chuẩn, thì có tội không? Khi được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán kiến nghị ban hành nhiều lần mà không làm, để năm này qua năm khác, không hoàn thiện pháp luật hoặc vì lợi ích gì đó mà không làm, gây thất thoát thì vấn đề này cũng cần phải đưa vào Luật, ông Phớc đề xuất.

Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Hà Nội, cũng kỳ vọng Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) khi được thông qua sẽ bịt được các kẽ hở dẫn đến tham nhũng, phòng hơn chống, thì sẽ không dẫn đến nhiều vụ án tham nhũng lớn phải xử lý như thời gian qua. Đại biểu Hoàng Văn Cường tỏ ra quan ngại về vấn đề tham nhũng chính sách, xem đây là hình thức tham nhũng “trầm trọng nhất” vì lợi ích của một nhóm người, gây ra thất thoát tài sản, đất đai, triệt tiêu cạnh tranh.  

Lưu ý doanh nghiệp sân sau

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đến khu vực ngoài nhà nước. Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.

Ông Hồ Đức Phớc chỉ ra, thất thoát lớn nhất hiện nay là ở khu vực công như ở các chương trình, dự án, vấn đề đất đai, khoáng sản, thuế, tín dụng ngân hàng. Những lĩnh vực này khả năng thất thoát lớn nhất, ví dụ như trong các dự án BT, BOT. Luật Phòng, chống tham nhũng làm thế nào để ngăn ngừa và bịt được thất thoát này là yêu cầu đặt ra.

Theo ông Phớc, khu vực công quan hệ mật thiết với khu vực tư. Nếu chúng ta không ngăn chặn được khu vực tư thì cũng không ngăn chặn được những thất thoát từ khu vực công, không ngăn chặn được hành vi tham nhũng.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng ra ngoài khu vực công là cần thiết, nhưng cần lưu ý thêm những công ty tư nhân là sân sau của lãnh đạo cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp sân sau mới hay câu kết với cơ quan nhà nước để rút tiền nhưng lại khó kiểm soát. Thực tế các công ty đại chúng còn dễ kiểm soát tham nhũng hơn rất nhiều, vì những quy định về kiểm toán, công bố thông tin thường xuyên.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ quan ngại về những dự án đầu tư công, dự án liên quan đến đất đai nếu có tham nhũng sẽ thất thoát rất lớn. Có thực tế công ty tư vấn đấu thầu chuyên làm tư vấn cho 1 cơ quan nhà nước và có nhà thầu thường xuyên trúng thầu những gói thầu do công ty tư vấn này mời thầu. Cần lưu ý đến những doanh nghiệp thường xuyên trúng những hợp đồng thực hiện các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, đưa các doanh nghiệp sân sau vào Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) như thế nào là vấn đề cần phải nghiên cứu thêm. Ông Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An chia sẻ với Báo Đấu thầu, để chặn tham nhũng từ việc trao thầu cho doanh nghiệp sân sau, rất cần sự tham gia của các cơ quan truyền thông để chỉ ra được những doanh nghiệp này và thông tin tới các cơ quan phòng, chống tham nhũng, cơ quan điều tra.

Tin cùng chuyên mục