Chiều nay tòa tuyên án phúc thẩm với ông Đinh La Thăng

VKSND Cấp cao đề nghị tòa phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho nhiều bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn dầu khí PVN và PVC.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên phúc thẩm. Ảnh: TTXVN.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên phúc thẩm. Ảnh: TTXVN.

Chiều nay, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án với ông Đinh La Thăng và 13 cựu thuộc cấp ở Tập đoàn Dầu khí (PVN) sau một tuần xét xử phúc thẩm.

Nếu ở phiên sơ thẩm, cho tới lúc nói lời sau cùng ông Thăng vẫn chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu thì đến cấp phúc thẩm, cựu chủ tịch PVN đã nhận tội. Tuy nhiên, tội mà ông Thăng nhận không phải Cố ý làm trái quy định của Nhà nước như cấp sơ thẩm tuyên mà là Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều 9/5, trả lời câu hỏi "bị kết án 13 năm tù do phạm tội Cố ý làm trái, bị cáo thấy có oan, sai không?", ông Thăng đáp: "Tôi đề nghị xem xét lại tội danh và hình phạt. Tôi không nói oan, sai mà tôi nhận trách nhiệm vì thiếu trách nhiệm mà gây hậu quả nghiêm trọng".

Ông Thăng sau đó "thừa nhận có tội" nhưng không phải là tội như án sơ thẩm tuyên, nhận thấy "có thiếu trách nhiệm trong việc không kiểm tra đôn đốc kịp thời".

"Là người đứng đầu để xảy ra sai phạm, tôi day dứt lắm. Ngồi trong bốn bức tường, tôi thấy có lỗi nên không thể cầm bút viết ra những thành tích", ông Thăng giải thích vì sao không muốn kê khai thành tích trong hơn 30 năm công tác để tòa phúc thẩm xem xét lại việc tòa sơ thẩm buộc ông bồi thường dân sự 30 tỷ đồng.

Trong năm ngày diễn ra phiên phúc thẩm, ông Thăng cùng luật sư nêu nhiều lập luận để chứng minh ông không cố ý làm trái và chỉ có "vai trò hạn chế" trong việc chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC, chỉ đạo ký hợp đồng thi công tổng thầu EPC số 33, chỉ đạo tạm ứng tiền cho PVC, sử dụng tiền sai mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước...

"Tôi đề nghị xem xét trách nhiệm của tôi căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã giao cho tôi. Việc của người khác, của cấp khác thì không gắn cho tôi... Suốt phiên tòa tôi luôn nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng không có nghĩa là mọi việc từ lớn đến bé đều buộc chủ tịch Hội đồng thành viên phải biết, phải chịu trách nhiệm”, ông trình bày.

Ông Thăng cho rằng bối cảnh thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong chủ trương phát huy nguồn nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “của Chính phủ”. “Đây không phải là chủ trương nhất thời như cáo buộc của VKS rằng việc chỉ định thầu cho PVC là nhằm cứu PVC”, ông Thăng nói trong phần tranh luận.

Khi đưa ra quan điểm về hướng giải quyết vụ án, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội nhận định không có căn cứ chấp nhận kháng cáo chuyển tội danh cho ông Thăng vì cho rằng không có tình tiết. Dù vậy, cơ quan công tố ghi nhận: "Căn bản nhất là bị cáo đã nhận thấy việc làm này là sai, nhưng việc nhận còn có mức độ".

VKSND Cấp cao đề nghị xem xét cho ông Thăng tình tiết giảm nhẹ là "khai nhận hành vi phạm tội".

VKS đề nghị bác chứng cứ gỡ tội mới của ông Phùng Đình Thực

Ông Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN.

Từ lúc xét hỏi cho tới khi tranh luận, ông Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc PVN) cùng luật sư đã tập trung chứng minh ông không nhận được bốn văn bản do PVPower và PVC gửi về PVN. Theo họ, bốn văn bản có nội dung phản ánh  thiếu sót pháp lý của hợp đồng 33 và chưa đủ điều kiện tạm ứng vốn cho PVC và đây là căn cứ chủ yếu để tòa sơ thẩm kết tội ông Thực đã được báo cáo tình hình nhưng vẫn cố tình ký hợp đồng.

Nếu ở cấp sơ thẩm, yêu cầu triệu tập Chánh văn phòng PVN giai đoạn 2010-2011 không được thực hiện, ở phiên phúc thẩm, nhân chứng này đã tới tòa. Cựu chánh văn phòng PVN Hồ Công Kỳ cùng Phó chánh văn phòng Khương Văn Đạt khi đối chất trước tòa đã làm rõ, dù văn bản gửi đến đề tên Chủ tịch, Tổng giám đốc (tức ông Thực) song người xử lý văn bản là Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh.

Cuối cùng, VKS cho rằng không có đủ căn cứ kết luận ông Thực không nhận được các văn bản trên, bởi qua lời khai của các bị cáo khác thì việc ông này nói "không nhận được bốn văn bản là khó chấp nhận". Vì thế, việc tòa sơ thẩm buộc tội bị cáo Thực theo điều 165 Bộ luật Hình sự (tội cố ý làm trái) là có căn cứ, chứ không phải là điều 285 (tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).

Tuy nhiên, tới cuối phần tranh luận, Phó viện trưởng VKSND Cấp cao Lê Tư Quỳnh cho hay có thông tin gia đình bị cáo Thực đã quyết định bán nhà (nhận đặt cọc một tỷ đồng) để khắc phục hậu quả cho bị cáo. Nếu đúng như vậy, theo ông Quỳnh, đây sẽ là tình tiết giảm nhẹ với ông Thực vì “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.

“VKS thấy không có đủ căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, nhưng có thể giảm nhẹ hình phạt ở mức tối đa”, cơ quan công tố nêu quan điểm.

Theo ông Lê Tư Quỳnh, với sức khỏe, hoàn cảnh, đặc biệt là trình độ của mình, ông Thực vẫn là người đang có ích cho xã hội, có thể cống hiến được hơn nhiều người khác. Ông Thực có thể xin Chánh án TAND Hà Nội (người ra quyết định thi hành bản án) cho không chấp hành án để làm một việc gì đó hoặc vì lý do gì đó. "Chắc chắn họ cũng không bắt bị cáo đi thi hành bản án", ông Quỳnh nói và cho hay bị cáo Thực còn có thể xin Chủ tịch nước ân giảm.

Đối với cựu phó tổng PVN Nguyễn Quốc Khánh, cơ quan công tố cho rằng bị cáo đã khắc phục toàn bộ thiệt hại, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, phạm tội trong hoàn cảnh có nhiều lý do khách quan nên tiếp tục đề nghị giảm nhẹ hình phạt ở mức tối đa cho ông này.

Ông Nguyễn Ngọc Quý (cựu HĐTV PVC) cũng được VKS đề nghị giảm án tối đa vì tích cực tự nguyện khắc phục hậu quả.

Đặc biệt, cơ quan công tố còn kết luận sau khi đối đáp với các luật sư “đến thời điểm này, VKS thấy rằng vẫn có điều kiện để áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho tất cả bị cáo”.

14 trong 22 bị cáo có đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét bản án sơ thẩm.

Bản án sơ thẩm tuyên đầu năm 2018 xác định cuối năm 2007, PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đầu năm sau, Tập đoàn này giao cho công ty con là Điện lực Dầu khí (PVPower) làm chủ đầu tư.

Để tạo điều kiện cho Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), ngày 22/1/2010, ông Thăng xin Thủ tướng đưa Nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai cần được chỉ định thầu và được chấp nhận.

Bản án nhận định, biết PVC không đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm, cũng chưa làm thủ tục chọn nhà thầu song cuối năm 2010, ông Thăng đã chỉ định công ty con này làm tổng thầu của dự án điện nói trên.

Ngày 28/2/2011, PVC và PVPower đã nhận chỉ đạo và ký Hợp đồng tổng thầu EPC số 33 dù chưa đủ cơ sở pháp lý. Ngay sau đó, Trịnh Xuân Thanh khi đó là Chủ tịch HĐQT PVC chỉ đạo cấp dưới lập công văn gửi PVPower đề nghị tạm ứng 72 triệu USD. Do không có vốn nên cùng ngày này, chủ tịch PVPower Đỗ Chí Thanh đã ký công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ quý I/2011 cho PVPower để có tiền tạm ứng cho PVC.

Với lý do PVPower không đủ năng lực làm chủ đầu tư, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ông Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo hợp đồng EPC.

PVN sau đó tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng, trái với các quy định của Nhà nước. Việc này tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng sai mục đích hơn 1000 tỷ đồng, gây thiệt hại 119 tỷ đồng.

Tại phiên sơ thẩm ông Thăng bị phạt 13 năm tù, ông Thực và Khánh mỗi người 9 năm tù...

Tin cùng chuyên mục