Đại biểu Quốc hội: Lo quy hoạch bị bóp méo vì lợi ích nhóm

(BĐT) - Quy hoạch cũng là nguồn cơn của rất nhiều tiêu cực. Quy hoạch ban đầu có thể là đúng đắn, nhưng sau đó, có thể vì lợi ích nhóm nên quy hoạch được điều chỉnh khác đi.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (1/6) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Ông Trương Trọng Nghĩa cho biết cơ bản đồng tình với dự Luật và cho rằng, trong những năm qua nhiều lĩnh vực thành công nhờ có quy hoạch đúng như hàng không, công nghệ thông tin… từ đó đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đại biểu TP.HCM lưu ý, quy hoạch không đúng sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Quy hoạch cần phải có tầm nhìn, xét theo cả quá trình chứ không phải chỉ áp dụng theo giải pháp tình thế, bị điều chỉnh méo đi vì lợi ích nhất thời hoặc bị tác động của nhóm lợi ích.

Tại Hội trường, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh việc xây dựng luật phải trên quan điểm tiếp tục bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 13 luật, bao gồm: Luật Hóa chất số 06/2007/QH12; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12; Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực số 28/2004/QH11; Luật Dược số 105/2016/QH13; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá số 09/2012/QH13; Luật Công chứng số 53/2014/QH13; Luật Trẻ em số 102/2016/QH13; Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13; Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12.

Tin cùng chuyên mục