Điểm mặt nhà thầu bị bêu tên vì nợ thuế

(BĐT) - Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công bố danh sách đợt VII/2016 các doanh nghiệp (DN) nợ thuế kéo dài với tổng số tiền nợ lên tới gần 200 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh sách này có nhiều nhà thầu khá tên tuổi và đã từng thực hiện nhiều dự án quy mô lớn. Những DN này quá khó khăn do gánh nặng thuế phí hay DN cố tình chây ì nên đã bị bêu tên?
Công ty CP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị là đơn vị thực hiện dự án CDC Building tại 25 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội đang nợ hơn 10 tỷ đồng tiền thuế. Ảnh: Ngọc Anh
Công ty CP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị là đơn vị thực hiện dự án CDC Building tại 25 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội đang nợ hơn 10 tỷ đồng tiền thuế. Ảnh: Ngọc Anh

Nợ gần 200 tỷ đồng thuế

Trong lần thứ 7 Cục thuế TP. Hà Nội công bố danh sách các DN chây ì việc nộp thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, những DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và thương mại chiếm phần lớn. Trong tổng số 144 DN bị “bêu tên” có 131 DN nợ thuế, phí với số tiền nợ hơn 160 tỷ đồng và 13 đơn vị nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất với số tiền nợ hơn 33 tỷ đồng.

Cụ thể, DN có số nợ thuế lớn nhất là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu Cảnh Viên CONSTREXIM với hơn 11 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty CP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị nợ hơn 10 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng công trình và Thương mại Phúc Thịnh nợ 6,8 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất nợ hơn 5,5 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng HUD101 nợ 3,13 tỷ đồng…

Nằm trong nhóm DN nợ tiền thuê đất đáng chú ý nhất là Công ty CP Tân Phú Long có số nợ tới hơn 13,4 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội với số tiền nợ 4,8 tỷ đồng.

Nợ hơn 10 tỷ đồng, song Công ty CP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị đã từng thi công nhiều công trình, dự án lớn như: Dự án Cung Xuân tọa lạc tại phía Đông Công viên tuổi Trẻ Thủ đô, là khu phức hợp tổ chức sự kiện, nhà hát ngoài trời, khu ẩm thực, quán bar và khu vui chơi giải  trí… với tổng diện tích sử dụng trên 10.000m2; Dự án CDC Building gồm 14 tầng, được xây dựng trên tổng diện tích hơn 9.000m2; Dự án Candle Hotel được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD…

Đối với Công ty CP Xây dựng công trình và Thương mại Phúc Thịnh (nợ 6,8 tỷ đồng), trong quá khứ đã đảm đương thi công các công trình Great Process tọa lạc tại Lô số 7-3; 7-4; 7-5 Đường số 2A, Khu công nghiệp An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích 8ha, giá trị công trình 3,38 triệu USD; Công trình Ace Elite tọa lạc tại số 2 VSIP II-A, Đường số 24, Khu công nghiệp Việt Nam Singapore II-A, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; Nhà máy và văn phòng của Freetrend Industrial A Co., Ltd….

Công ty CP Xây dựng HUD101 cũng đã từng trúng thầu thi công các gói thầu lớn như: Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Thành phố Nha Trang (có giá trị hợp đồng khoảng 90 tỷ đồng); gói thầu Rải thảm bê tông asphan, lát hè, lắp đặt nắp ga gang các tuyến thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Việt Hưng (có giá trị khoảng 15 tỷ đồng); Thi công ngoại thất Nhà thi đấu đa năng tỉnh Bắc Ninh (giá trị hợp đồng khoảng 7 tỷ đồng)…

Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục thuế TP. Hà Nội, việc công khai danh tính các DN nợ thuế kéo dài không chỉ tác động trực tiếp đến DN này mà còn mang tính cảnh báo đối với những DN nợ đọng khác.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, nhằm thúc đẩy việc thu hồi nợ đọng, mỗi tháng một lần, Cục thuế TP. Hà Nội sẽ công khai DN nợ đọng thuế. Sau khi công khai, trong trường hợp DN vẫn chây ì, cơ quan quản lý sẽ cưỡng chế hóa đơn và phong tỏa tài khoản.

Ảnh hưởng thanh danh

Trong tổng số 144 DN bị “bêu tên” có 131 DN nợ thuế, phí với số tiền nợ hơn 160 tỷ đồng và 13 đơn vị nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất với số tiền nợ hơn 33 tỷ đồng.
Theo một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, tiền sử dụng đất và tiền thuế sử dụng đất thực sự đang là gánh nặng cho các DN đầu tư xây dựng, cũng như các DN làm ngành nghề có liên quan đến sử dụng đất. Bởi thực tế, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất hiện đang ở mức cao, và cứ năm sau cao hơn năm trước, hệ số tăng lại rất lớn. Với nguồn lực tài chính phải chia sẻ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, thì đại diện DN xây dựng này cho rằng, việc thiếu tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất ở một thời điểm nào đó với DN là việc “khó tránh”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ quan điểm, các DN xây dựng, nhà thầu khi bị công bố nợ thuế, phí, tiền thuê đất thì sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín của DN. Đến một thời điểm nào đó, các chủ đầu tư có thể loại các nhà thầu nợ thuế, không được tham gia đấu thầu. Bởi, chủ đầu tư thấy DN nợ thuế thì có nghĩa sẽ không đủ năng lực tài chính để tham gia đấu thầu, thực hiện dự án, công trình.

Do đó, ông Hiệp đề xuất, cơ quan thuế nên có những nhắc nhở, khuyến cáo cho DN để hoàn thiện nghĩa vụ thuế của mình. Khi nhắc nhở vài lần mà DN vẫn chây ì thì mới công bố công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi, uy tín của DN nói chung và DN xây dựng nói riêng là rất quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu DN có những “tì vết” không tốt về tài chính, năng lực thì sẽ phải mất nhiều thời gian để tẩy sạch.

Tin cùng chuyên mục