Dự thảo quy định về quản lý chợ, siêu thị: “Can thiệp quá mức vào hoạt động của doanh nghiệp”

(BĐT) - “Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công Thương soạn thảo đưa ra một số quy định can thiệp hành chính quá mức vào hoạt động của doanh nghiệp (DN). Hãy để cho DN tự do sáng tạo tự tìm kiếm những cách thức đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường”. TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh quan điểm này khi đề cập về một số quy định tại Dự thảo Nghị định trên và cho rằng quy định đó có thể gây khó cho DN.
Hãy để cho DN tự do sáng tạo tự tìm kiếm những cách thức đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường. Ảnh: Tường Lâm
Hãy để cho DN tự do sáng tạo tự tìm kiếm những cách thức đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường. Ảnh: Tường Lâm

Theo quy định tại Dự thảo Nghị định: “Siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối”. Bên cạnh đó, “Mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình giảm giá phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo…”.

Với quy định này, ông Cung cho rằng, Dự thảo này đang can thiệp quá mức vào hoạt động của DN. Nếu cơ quan nhà nước mà can thiệp vào những hoạt động như đề xuất trong Dự thảo chỉ làm phức tạp hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN, ngăn cản thị trường. “Những quy định như thế là không cần thiết. Bộ Công Thương nên giám sát ở việc DN có cạnh tranh công bằng không với việc đứng trên cương vị bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người sản xuất. Đây là công cụ là tốt nhất để đảm bảo chính sách hướng tới mục tiêu cạnh tranh công bằng”, lãnh đạo CIEM nhấn mạnh.

Đặt quy định Dự thảo trên trong bối cảnh Chính phủ và ngay cả chính Bộ Công Thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà bộ này quản lý, theo ông Cung, quy định Dự thảo Nghị định đang đi ngược với tiến trình này. “Điều này có nghĩa là Bộ Công Thương đang có tư duy không nhất quán trong việc chuyển đổi tư duy theo hướng thị trường, thay đổi cách thức quản lý nhà nước”, ông nói và cho rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương phải đặt nguyên tắc này lên trên hết trong việc xây dựng chính sách, từ đó bảo vệ thị trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, đặc biệt bảo vệ tự do kinh doanh cạnh tranh công bằng.

Liên quan đến quy định tại Dự thảo Nghị định trên, trước đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) góp ý, quy định thời gian mở cửa của siêu thị là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần/không nên can thiệp.

VCCI cho rằng,  quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại như trên cũng can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.

"Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo  pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này", VCCI góp ý.

Cùng với VCCI, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng đã có những phản ứng với Dự thảo này.

Ngay sau đó ngày 4/6, Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương đã phát thông cáo liên quan đến Nghị định, trong đó bày tỏ hoan nghênh những ý kiến góp ý của các chuyên gia, tổ chức… Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục