Hồn nhiên cản nhà thầu tiếp cận hồ sơ

(BĐT) - Chặn nhà thầu ngay từ cổng địa điểm phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC); sử dụng số điện thoại và địa chỉ ma khiến các nhà thầu “bất lực” trong việc tìm kiếm.. đã trở thành những chiêu trò quen thuộc của rất nhiều bên mời thầu (BMT) khi không muốn cho nhà thầu tiếp cận HSMT, HSYC. 
Theo phản ánh của nhiều nhà thầu, bên mời thầu thường tìm mọi cách trốn tránh, không bán HSMT cho nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi
Theo phản ánh của nhiều nhà thầu, bên mời thầu thường tìm mọi cách trốn tránh, không bán HSMT cho nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi

Thậm chí, đã xuất hiện những câu trả lời cho qua chuyện, trả lời thiếu trách nhiệm từ phía BMT khi bị nhà thầu kiến nghị.

Nhiều chiêu chặn nhà thầu mua hồ sơ

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện một nhà thầu có địa chỉ tại TP. Đà Nẵng cho biết, trong thời gian gần đây, nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình mua HSMT/HSYC. Mới đây nhất, nhà thầu có tham gia mua HSYC của Gói thầu “Mua sắm trang thiết bị âm thanh hội trường phục vụ công tác triển khai thực hiện bảo hiểm y tế đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân” do Cục Chính sách - Bảo hiểm xã hội công an nhân dân (có địa chỉ tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) làm BMT. Tuy nhiên, khi đến mua HSYC, nhà thầu đã bị “chặn” ngay từ cổng cơ quan, không cho nhà thầu tiếp cận với HSYC.

Không ngang nhiên “chặn” nhà thầu từ cổng đơn vị phát hành HSMT/HSYC, nhưng cũng với mục đích không muốn nhà thầu mua được hồ sơ, một số BMT lại đăng số điện thoại và địa chỉ ma khiến các nhà thầu “bất lực” trong việc tìm kiếm, mặc dù trước đó việc phát hành HSMT/HSYC được thông báo là phát hành rộng rãi.

Chiêu trò này được các BMT là Văn phòng HĐND và UBND huyện Thường Tín, TP. Hà Nội và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hà Nội áp dụng đối với 2 gói thầu là Gói thầu “Toàn bộ sản phẩm mua sắm, lắp đặt thiết bị âm thanh hội trường UBND Huyện ủy - UBND huyện và toàn bộ phần mua sắm lắp đặt hệ thống camera bảo vệ trụ sở UBND Huyện ủy - UBND huyện” và Gói thầu “Mua sắm hệ thống âm thanh hội trường lớn”.

Phản ánh về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II đã từng gọi điện đến Báo Đấu thầu thông tin, sau nhiều ngày chờ đợi tại Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông, công nghiệp, trụ sở làm việc và hạ tầng kỹ thuật huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội nhưng đại diện Công ty vẫn không thể mua được HSMT một gói thầu tư vấn. Do gần đến ngày đóng thầu mà vẫn không mua được hồ sơ, nhà thầu đã bỏ cuộc.

“Khâu mua bán HSMT/HSYC hiện nay cực kỳ khó khăn. Đa số các gói thầu đều có thông báo đấu thầu rộng rãi, nhưng thực tế lại không phải thế. Thời gian vừa rồi, chúng tôi có đi mua HSMT một số gói thầu nhưng đều gặp rất nhiều khó khăn. Nhà thầu kiên trì chờ đợi nhưng BMT thì liên tục trốn tránh, không bán HSMT” - ông Tiến phản ánh. 

Những câu trả lời cho qua chuyện

Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là có hành vi cản trở đối với nhà thầu (bao gồm cả việc hạn chế nhà thầu mua HSMT/HSYC). Chế tài đối với hành vi cản trở nhà thầu mua HSMT/HSYC đã có, nhưng dường như nhiều CĐT/BMT vẫn còn thờ ơ với pháp luật.
Theo chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, nếu CĐT/BMT thực sự muốn bán HSMT/HSYC cho nhà thầu thì sẽ thể hiện bằng hành động, chứ không phải bằng những lời nói biện hộ. Điều này có nghĩa, quá trình phát hành HSMT/HSYC mà minh bạch thì nhà thầu sẽ không bao giờ phản ánh BMT gây khó khăn cho họ. “HSMT/HSYC là để mời nhà thầu vào tham gia cuộc thầu một cách công bằng, cạnh tranh, chứ không phải là hồ sơ đuổi thầu”, ông Tăng nhấn mạnh.

Bức xúc vì sau nhiều ngày chờ đợi nhưng vẫn không thể mua được HSMT/HSYC, không ít nhà thầu đã làm đơn kêu cứu lên cơ quan có thẩm quyền và phản ánh sự việc tới Báo Đấu thầu. Tuy nhiên, điều đáng nói là, sau khi nhận được những phản ánh này, các CĐT/BMT chỉ đưa ra những trả lời… cho có. Đại diện nhà thầu tại TP. Đà Nẵng cho biết: “Khi chúng tôi “kiện”, họ cũng có văn bản trả lời, nhưng chỉ là trả lời cho có, cho xong. Cuối cùng nhà thầu vẫn không mua được hồ sơ của những gói thầu đó. Thậm chí, những người được giao bán HSMT/HSYC nhưng không thực hiện nhiệm vụ cũng không bị xử lý gì”.

Chia sẻ với phản ánh của đại diện nhà thầu nêu trên, về những trả lời “cho có” từ các BMT, phóng viên Báo Đấu thầu có thể dẫn ra một trong nhiều lý giải mang tính biện hộ từ BMT của một gói thầu mà phóng viên điều tra gần đây. Đó là giải trình “hồn nhiên” của UBND huyện Thường Tín, TP. Hà Nội về việc không bán HSMT gói thầu do chính UBND huyện này đang mời thầu. Theo UBND huyện Thường Tín thì “phản ánh của nhà thầu không đúng, UBND huyện vẫn bán HSMT bình thường, chỉ là đúng hôm nhà thầu đến mua HSMT thì người phụ trách bán HSMT… đi vắng”.

Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là có hành vi cản trở đối với nhà thầu (bao gồm cả việc hạn chế nhà thầu mua HSMT/HSYC). Chế tài đối với hành vi cản trở nhà thầu mua HSMT/HSYC đã có, nhưng dường như nhiều CĐT/BMT vẫn còn thờ ơ với pháp luật.

Tin cùng chuyên mục