Khắc phục bất cập pháp luật về thu thuế tài nguyên

(BĐT) - Thuế tài nguyên là công cụ để quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác tài nguyên nhằm quản lý, giám sát góp phần thúc đẩy sử dụng tài nguyên tiết kiệm. 
Giai đoạn 2010 - 2017, số thu bình quân năm từ thuế tài nguyên của Việt Nam đạt 33.756,61 tỷ đồng, tương đương 0,92% GDP. Ảnh: Đỗ Phương
Giai đoạn 2010 - 2017, số thu bình quân năm từ thuế tài nguyên của Việt Nam đạt 33.756,61 tỷ đồng, tương đương 0,92% GDP. Ảnh: Đỗ Phương

Việt Nam đang sử dụng phương pháp thu thuế dựa trên giá trị tài nguyên. Tuy nhiên, các quy định pháp luật thực hiện việc thu thuế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến thất thu, chưa khuyến khích doanh nghiệp tinh chế hoặc chế biến sâu khoáng sản.

Nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước

Theo thống kê của Bộ Tài chính, giai đoạn 2010 - 2017, số thu bình quân/năm từ thuế tài nguyên của Việt Nam đạt 33.756,61 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng thu ngân sách nhà nước và tương đương 0,92% GDP. Trong đó, thu từ dầu thô có xu hướng giảm trong những năm gần đây.

PGS. TS. Lê Xuân Trường thuộc Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hiện có 3 luật, 2 nghị định và 4 thông tư có liên quan đến thuế tài nguyên. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về thuế tài nguyên vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến người nộp thuế, sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất và quản lý thuế tài nguyên.

Cụ thể, về đối tượng nộp thuế, Điểm c Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên quy định, một trong những trường hợp cụ thể về người nộp thuế: Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua. Ông Lê Xuân Trường cho rằng, nếu thực hiện theo Luật Thuế tài nguyên thì mâu thuẫn với Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Nếu thực hiện theo Thông tư 152/2015/TT-BTC thì không mâu thuẫn với các luật trên nhưng lại khó quản lý, dẫn đến thất thu thuế khi hộ gia đình, cá nhân khai thác đất làm vật liệu xây dựng trong khuôn viên đất được giao sử dụng ổn định lâu dài bán cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng; hộ gia đình được giao đất, giao rừng được phép khai thác sản phẩm rừng tự nhiên trong phạm vi đất được giao bán ra.

Mặt khác, sản lượng tính thuế, thu thuế tài nguyên được tính trên sản lượng thực tế do người khai thác khai báo nên chưa khuyến khích tận dụng hết tài nguyên trong khai thác chế biến. Giá tính thuế cũng còn thiếu thống nhất trong quy định pháp luật, dẫn đến thất thu; các thông tư hướng dẫn chặt chẽ nhưng không thống nhất với luật.

Ngoài ra, quy định về giá tính thuế tài nguyên hiện hành chưa phản ánh rõ việc đánh thuế tài nguyên là đánh thuế vào tài nguyên nguyên khai; chưa khuyến khích tinh chế hoặc chế biến sâu tài nguyên trước khi tiêu thụ hoặc xuất khẩu tài nguyên; chưa quy định cho trừ chi phí tinh chế tài nguyên. Quy định về giá tính thuế tài nguyên cũng không trừ chi phí vận chuyển tài nguyên từ nơi khai thác đến cửa khẩu xuất. 

Sửa đổi quy định pháp luật

PGS.TS. Lê Xuân Trường khuyến nghị cấp có thẩm quyền cần phải sửa đổi Điểm c Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên theo hướng, tổ chức, cá nhân được phép khai thác tài nguyên nhưng sản lượng tài nguyên khai thác nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc triển khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

Nguyên tắc chung nhất xác định sản lượng tài nguyên tính thuế phải dựa trên số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng tài nguyên nguyên khai thực tế khai thác. Theo đó, phải quy định cam kết sản lượng tối thiểu khai thác làm căn cứ tính thuế tài nguyên khi cấp phép khai thác để tránh lãng phí tài nguyên.

Giá tính thuế tài nguyên cần được sửa đổi theo hướng giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên nguyên khai của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định.

Theo một chuyên gia khác, trước mắt, cần sửa đổi Thông tư 152/2015/TT-BTC để xử lý những trường hợp cụ thể bất hợp lý về xác định sản lượng, giá tính thuế tài nguyên.

Để quản lý thuế tài nguyên, chuyên gia này cho rằng, cần bổ sung rõ quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường trong xác định sản lượng tài nguyên tính thuế. Cách thức phối hợp sẽ là kiểm tra thực địa tại khai trường giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên môi trường.

Cùng với đó, cần tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý thu đối với khai thác tài nguyên; nâng cao vai trò của người đứng đầu địa phương trong quản lý tài nguyên; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế các cấp.

Tin cùng chuyên mục