Ngày 1/7: Điều nào trong Bộ luật Hình sự có lợi cho người phạm tội vẫn thực hiện

Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã chính thức được Chủ tịch nước quyết định tạm lùi thời hạn thi hành, nhưng Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Đinh Trung Tụng cho biết, tất cả những điều khoản có lợi cho người phạm tội vẫn được thi hành kể từ 0 giờ ngày 1/7/2016.
Ngày 1/7: Điều nào trong Bộ luật Hình sự có lợi cho người phạm tội vẫn thực hiện

Ông Đinh Trung Tụng khẳng định, mặc dù tạm gác lại BLHS năm 2015, nhưng những điều khoản có lợi cho người phạm tội như không tử hình đối với người phạm tội từ 75 tuổi trở lên; người phạm tội từ 75 tuổi trở lên đã bị tòa án kết án tử hình nhưng chưa thi hành án đều được giảm xuống án tù trung thân kể từ ngày 9/12/2015, thời điểm Chủ tịch nước công bố Bộ luật Hình sự năm 2015 mặc dù BLHS năm 2015 đã tạm hoãn thi hành.

“Điều này thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, thực hiện theo đúng quan điểm, tinh thần cải cách tư pháp và tiếp cận với xu hướng xử lý tội phạm của các nước phát triển”, ông Tụng nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Tụng, tất cả các điều khoản của BLHS năm 2015 như xóa bỏ một tội phạm, xóa bỏ một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội vẫn được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ ngày 1/7/2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

“Tiếp tục không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm tội tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”, ông Tụng thông tin thêm.

Liên quan đến việc buộc phải tạm dừng thi hành BLHS năm 2015, ông Nguyễn Văn Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, sau khi BLHS năm 2015 được công bố (ngày 9/12/2015), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri, chuyên gia luật pháp, cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, tư pháp về việc Bộ luật này có nhiều sai sót.

“Chúng tôi đã tiến hành rà soát lại BLHS năm 2015 và thấy rằng, chỉ có một số sai sót về lỗi kỹ thuật, nhưng đây là văn bản quy phạm pháp luật vô cùng quan trọng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thảo luận và bỏ phiếu kín về việc đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc lùi thi hành BLHS năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam”, ông Luật cho biết.

Với tư cách là thành viên tham gia thẩm định BLHS và thông qua Bộ luật này, ông Luật thành thật nhận lỗi với cử tri và nhân dân cả nước khi để xảy ra sai sót đáng tiếc.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, kết quả kiểm phiếu cho thấy có 438 đại biểu Quốc hội (chiếm 85,63% tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII) đồng ý tạm dừng 3 văn bản quy phạm pháp luật kể trên.

Trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cũng như diễn đàn mạng xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIII đã bày tỏ sự hối tiếc khi phải tạm dừng 3 văn quy phạm pháp luật này và đều thấy có lỗi với cử tri và nhân dân cả nước khi chưa làm tròn trách nhiệm.

Cũng như ông Nguyễn Văn Luật, tại cuộc họp báo công bố tạm hoãn 3 văn bản quy phạm pháp luật kể trên do Văn phòng Chủ tịch nước công bố vào sáng nay, ông Đỗ Mạnh Hùng với tư cách là đại biểu Quốc hội cũng nhận thấy bản thân có lỗi với nhân dân và cử tri cả nước khi chưa làm tròn trách nhiệm.

“Để xảy ra sai sót là trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật), nhưng việc Quốc hội có chính thức xin lỗi cử tri, nhân dân cả nước hay không sẽ được nghiên cứu, thảo luận. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan khi để xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Hùng thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục