Điều gì xảy ra nếu iPhone được sản xuất ở Mỹ?

Việc đưa iPhone về sản xuất tại Mỹ thậm chí còn khiến giá smartphone này đắt hơn so với nhập khẩu từ Trung Quốc về Mỹ và chịu mức thuế mà Tổng thống Trump đang đe dọa áp dụng...
Di dời chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp của Apple từ châu Á về Mỹ là việc vô cùng khó và gần như bất khả thi.
Di dời chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp của Apple từ châu Á về Mỹ là việc vô cùng khó và gần như bất khả thi.

Mới đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu cuộc đàm phán sắp diễn ra giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt thỏa thuận. Trong đó, ông Trump nói điện thoại iPhone, máy tính bảng, laptop do hãng công nghệ Apple nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có thể bị áp thuế.

Theo CNN, động thái này sẽ gây ảnh hưởng tới khách hàng và các công ty Mỹ. Theo đó, Apple cũng sẽ phải quyết định việc tăng giá bán sản phẩm.

"Ảnh hưởng trực tiếp xảy ra ở Mỹ", Bryan Ma, nhà phân tích tại hãng nghiên cứu IDC, nhận định. "Khi bị áp thuế nhập khẩu, thuế suất 25% trên 1.000 USD không phải chuyện nhỏ. Kể cả khi Apple chịu một phần thuế này, phần lớn sẽ được chuyển sang cho khách hàng". 

Theo tờ Wall Street Journal, ông Trump cho biết thuế suất có thể là 10% hoặc 25%.

Ông Trump muốn Apple phát triển và sản xuất iPhone tại Mỹ. Tuy nhiên, di dời chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp từ châu Á là việc vô cùng khó và gần như bất khả thi. Kể cả có thể làm được điều đó, chi phí lao động và cơ sở sản xuất đắt đỏ hơn của Mỹ sẽ đẩy giá iPhone lên cao đáng kể, theo Tim Bajarin, chủ tịch của Creative Solutions nhận định.

"Nếu Apple sản xuất iPhone tại Mỹ, mức giá cuối cùng tới tay người tiêu dùng sẽ tăng thêm 20 - 35%", Bajarin nói. Ví dụ, giá iPhone X sẽ đắt hơn 350 USD so với hiện tại. Như vậy, việc đưa iPhone về sản xuất tại Mỹ thậm chí còn khiến giá của smartphone này đắt hơn so với nhập khẩu từ Trung Quốc về Mỹ và chịu mức thuế mà ông Trump đang đe dọa áp dụng.

Apple mua linh phụ kiện từ các công ty trên khắp thế giới rồi chuyển về Trung Quốc - nơi phần lớn iPhone được lắp ráp bởi nhà sản xuất theo hợp đồng Đài Loan Foxconn. Cụ thể, chíp nhớ iPhone được mua từ Toshiba (Nhật), cảm biến từ Bosch (Đức), màn hình từ Samsung (Hàn Quốc). 

Nhiều linh kiện quan trọng cũng được Apple mua từ các công ty Mỹ như kính màn hình iPhone từ công ty Corning - có trụ sở tại Kentucky, bộ phận quét laser dùng cho Face ID và biểu tượng cảm xúc được cung cấp bởi Finisar - có nhà máy đặt tại Texas, còn chíp hiển thị màn hình chạm từ Analog Devices - đặt trụ sở tại Massachusetts. 

Một đợt thuế mới không chỉ ảnh hưởng tới Apple mà còn tác động lên nhiều hãng công nghệ Mỹ khác - vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng phức tạp và các nhà sản xuất Trung Quốc, theo Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin - đại diện cho hơn 60 hãng công nghệ lớn tại Mỹ như Facebook, Amazon. 

"Việc này sẽ đe dọa lớn hơn nữa tới chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá cả của các thiết bị điện tử mà người dùng phụ thuộc vào hàng ngày tăng cao, và thậm chí Mỹ mất đi nhiều việc làm", Jose Castaneda, người phát ngôn của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin, nhận định. 

CEO Tim Cook của Apple cho biết hãng này vẫn duy trì việc nguyên cứu, thiết kế iPhone và các thiết bị khác tại Mỹ. Nhưng Mỹ không đủ lao động cơ khí có tay nghề để sản xuất những sản phẩm này. 

"Những sản phẩm của chúng tôi đòi hỏi công nghệ cơ khí thực sự tiên tiến", Cook nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái. "Tại Mỹ, bạn có thể thể tìm được nhiều kỹ sư cơ khí nhưng tôi không chắc có thể lấp đầy họ vào một căn phòng hay không. Nhưng ở Trung Quốc bạn có thể lấp đầy nhiều sân vận động bóng đá". 

Bên cạnh đó, Apple không nhất thiết phải mang iPhone về sản xuất ở Mỹ vì thuế suất mới của ông Trump. Nhiều đối thủ của công ty này đã điều chỉnh hoạt động sản xuất, duy trì công đoạn sản xuất cơ bản của điện thoại, máy tính hay TV tại Trung Quốc, nhưng thực hiện công đoạn lắp ráp cuối cùng ở những nơi như Đài Loan, Việt Nam, hay Malaysia, Bajarin cho biết. "Việc này sẽ giúp 'lách' được thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ". 

Theo Bajarin, nỗ lực mang công việc trở về Mỹ của ông Trump là vô ích. "Mỹ đã mất vị thế trong lĩnh vực sản xuất từ nhiều thập kỷ trước, đặc biệt là đối với các mặt hàng như điện tử tiêu dùng và sẽ không bao giờ lấy lại được vị thế đó".

Tin cùng chuyên mục