Giới trẻ Trung Quốc đua nhau mua bất động sản ngoại qua mạng

Đông Nam Á là một trong những lựa chọn phổ biến nhất nhờ giá rẻ và không có nhiều rào cản...
Nhu cầu bất động sản nước ngoài là rất lớn ở tầng lớp trung lưu với nguồn tiền nhàn rỗi dồi dào - Ảnh: Bloomberg.
Nhu cầu bất động sản nước ngoài là rất lớn ở tầng lớp trung lưu với nguồn tiền nhàn rỗi dồi dào - Ảnh: Bloomberg.

Ice Chen, 36 tuổi, đang làm quản lý ngân hàng tại Bắc Kinh (Trung Quốc), gần đây không đến Bangkok (Thái Lan), nhưng cô mới mua 2 căn hộ ở đây. Chen là một trong số những người trẻ Trung Quốc đang đổ xô lên các nền tảng trực tuyến để mua bất động sản ở nước ngoài, theo Bloomberg.

Trong năm 2018, Uoolu.com, nền tảng địa ốc lớn nhất tại Trung Quốc, chứng kiến giá trị giao dịch tăng 60% lên 5 tỷ Nhân dân tệ (740 triệu USD) và dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Phần lớn dòng tiền này chảy vào các thành phố tại Đông Nam Á, nơi giá nhà đất rẻ hơn so với tại Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. 

"Nhu cầu là rất lớn ở tầng lớp trung lưu với nguồn tiền nhàn rỗi dồi dào", Liu Yuan, giám đốc hãng môi giới bất động sản Centaline Group, có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết. "Các giao dịch mua bất động sản trở nên đơn giản hơn với các nền tảng trực tuyến". 

Theo Uoolu, dẫn đầu xu hướng này là thế hệ người trẻ sành công nghệ. Uoolu, được thành lập vào năm 2015, đang cạnh tranh với những công ty như Shiju - công ty bất động sản nước ngoài của Shenzhen World Union Properties Consultancy Inc., và Beimeigoufang.com, có trụ sở tại Seattle (Mỹ) (tên gọi có nghĩa là: "mua bất động sản ở Bắc Mỹ"). 

Sự tiện lợi đang là nhân tố hấp dẫn chính trong xu hướng này. Người mua có thể lựa chọn một bất động sản chỉ trong vài giờ và thanh toán số tiền ban đầu chỉ dưới 1.500 USD. Là một nền tảng tích hợp, Uoolu cũng là trung gian cho phép người mua vay thế chấp từ các ngân hàng nước ngoài, tìm khách thuê và thu tiền cho thuê. 

Khoảng 50% người mua tiến hành giao dịch mà không đến xem tận mắt; khoảng 22% mua mà không xem và hoàn toàn thực hiện qua mạng, không gọi điện hay gặp gỡ trực tiếp với môi giới. 

Bất động sản tại Đông Nam Á là lựa chọn phổ biến nhất bởi mức giá rẻ giúp cho việc thanh toán dễ dàng hơn trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ của chính phủ Trung Quốc (hạn mức ngoại hối hàng năm là 50.000 USD). 

Ngoài ra, thị trường bất động sản tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Philippines không có những rào cản đối với người mua nước ngoài như ở New Zealand, Canada, Singapore và Australia.

Trong đó, Thái Lan là lựa chọn phổ biến nhất khi được người Trung Quốc tìm kiếm nhiều nhất trên trang bất động sản quốc tế Juwai.com trong năm ngoái. Năm ngoái, nhà đầu tư từ Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông đã mua khoảng 15.000 căn hộ mới Bangkok, chiếm tới 50% trông tổng số người mua nước ngoài tại thành phố này, theo số liệu của Juwai. 

Dù xu hướng giao dịch bất động sản trực tuyến bùng nổ, các đại lý truyền thống vẫn giữ được ưu thế thống trị và nhiều người không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mua một bất động sản - đặc biệt là với giá cao - mà không xem tận mắt. Các giao dịch nước ngoài qua hãng bất động sản Jones Lang LaSalle Inc. tiếp tục tăng trong năm ngoái. Tong khi đó, giao dịch qua Homelink Overseas Property - chi nhánh quốc tế của một hãng môi giới địa ốc hàng đầu Trung Quốc, tăng gấp đôi. 

Tuy vậy, với những người như Chen, việc đầu tư bất động sản qua mạng mang lại đủ hiệu quả ở thời điểm này. Cô hài lòng mới mức lợi nhuận 6% từ việc cho thuê các căn nhà ở Thái Lan của mình. Để có tiền mua những căn nhà này, Chen đã bán một căn hộ ở Bắc Kinh mà trước đó chỉ mang lại lợi nhuận bằng 1/3. 

Tại Bangkok, "giá (nhà) rẻ hơn nhiều, môi trường tốt, phù hợp cho cuộc sống về hưu và cũng dễ dàng cho thuê", Chen chia sẻ. Hiện tại, Chen đang lên kế hoạch mua bất động sản tiếp theo, có thể tại Campuchia.

Tin cùng chuyên mục