Hành trình từ con số 0 đến doanh thu 16 tỷ USD của Xiaomi

Lei Jun, ông chủ Xiaomi, có thể thành người giàu nhất Trung Quốc sau đợt IPO được xem là lớn nhất thế giới trong 4 năm.

Vừa thưởng thức một ly cà phê Starbucks, Chủ tịch Xiaomi Lei Jun vừa chậm rãi trả lời cuộc phỏng vấn của SCMP trong một buổi chiều gần đây.

Lei Jun là một người đàn ông bận rộn. Thứ Bảy tuần trước là ngày đầu tiên trong ba tháng, nhà sáng lập hãng sản xuất smartphone lớn thứ tư thế giới - Xiaomi dành toàn bộ thời gian để sắp xếp 11 cuộc gặp trực tiếp với các thành viên hội đồng quản trị, cơ quan quản lý, đồng nghiệp và khách hàng.

Xiaomi đang chuẩn bị IPO và ông chủ của nó đang được hàng loạt các sàn giao dịch chứng khoán từ New York cho tới Hong Kong, Thượng Hải và Singapore săn đón. Đây có thể là đợt IPO lớn nhất thế giới trong 4 năm gần đây.

Nếu vụ IPO dự kiến diễn ra vào hè này thành công, Lei có thể sẽ trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc sớm trước sinh nhật lần thứ 49 vào cuối năm nay. Hãng truyền thông Yicai Global ước tính, Lei hiện nắm giữ 77,8% cổ phần Xiaomi nên tổng tài sản có thể vượt mức 45,3 tỷ USD của Pony Ma Huateng - nhà sáng lập Tencent và 39 tỷ USD của Jack Ma - chủ tịch Alibaba nhờ đợt IPO này.

Lei Jun - nhà sáng lập Xiaomi. Ảnh:SCMP

Sau 7 năm, Lei - một lập trình viên đã gây dựng Xiaomi từ một startup nhỏ bé trở thành một doanh nghiệp hiện có 15.000 công nhân, đạt doanh số 100.000 tỷ NDT (16 tỷ USD).

"Qua tuổi 40, tôi bắt đầu xây dựng Xiaomi và đã tính toán 90% mô hình kinh doanh trước khi làm dự án này. Chúng tôi gọi mô hình này là 'tipping', nghĩa là bán phần cứng với mức giá thấp hoặc không có lợi nhuận nhưng kiếm tiền bằng các dịch vụ bổ sung", Lei chia sẻ.

Theo Lei, Xiaomi bán smartphone với giá rẻ nhưng nếu khách hàng sử dụng trình duyệt, xem video hay sử dụng các dịch vụ trực tuyến, hãng sẽ kiếm được tiền.

Xiaomi đang được định giá gấp hơn hai lần so với đợt huy động vốn lần gần đây nhất hồi năm 2014, theo một nguồn tin biết về kế hoạch IPO Xiaomi của SCMP. Khi ấy, doanh nghiệp của Lei có giá trị khoảng 45 tỷ USD.

Lei thành lập Xiaomi năm 2010 với 7 kỹ sư và chuyên gia công nghệ, bao gồm các cựu nhân viên của Google, Motorola và hãng phần mềm Kingsoft. Yunfeng Capital Management - quỹ đầu tư cá nhân trị giá 1 tỷ USD của Jack Ma là một nhà đầu tư của Xiaomi. Xiaomi bắt đầu sản xuất smartphone với những thông số kỹ thuật tốt nhất như các mẫu ở nước ngoài nhưng bán giá rẻ hơn một nửa.

"Khi Samsung và LG bán điện thoại với 5.000 NDT (khoảng 795 USD), hầu hết nhà sản xuất Trung Quốc đưa ra mức giá thấp hơn 1.000 NDT và sử dụng công nghệ rẻ nhất. Tuy nhiên, Lei lại bắt đầu với những chi tiết kỹ thuật đắt nhất", Wang Xiang - Cựu chủ tịch Qualcomm tại Trung Quốc nhận xét.

Vị lãnh đạo này nhớ lại, Lei trình bày rất tâm huyết suốt hai tiếng với ông mà không có gì hơn ngoài một ý tưởng. Tuy nhiên, Wang đã rất tin tưởng và chỉ định hàng chục kỹ sư trong đội 100 người của Qualcomm tại Trung Quốc hỗ trợ dự án khởi nghiệp của Lei.

Cửa hàng Xiaomi tại Trung Quốc. Ảnh:BI.

Sau đó, Mi 1 - smartphone đầu tiên của Xiaomi ra đời với mức giá 1.999 NDT, rẻ hơn một nửa so với các mẫu điện thoại Android nhập khẩu trên thị trường. Chỉ trong 34 giờ từ khi công bố, Mi 1 đã nhận được 300.000 đơn đặt hàng hồi năm 2010.

Sau đó, Wang đã tiếp tục thuyết phục các ông chủ của Qualcomm tham gia vào vòng huy động vốn thứ hai và trở thành một nhà đầu tư của Xiaomi. Đây là một động thái chưa từng có của nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới này.

"Tôi đưa CEO Qualcomm tới gặp Lei và anh ấy lại thuyết trình với chúng tôi hàng tiếng đồng hồ. Lei đã bán ý tưởng của mình cho chúng tôi và khiến chúng tôi trở thành người hâm mộ của Xiaomi", Wang kể lại.

Ba năm sau khi ra mắt Mi 1, Lei thuê Hugo Barra, người phát ngôn cho các sản phẩm Android của Google về làm Phó chủ tịch mảng hoạt động quốc tế của Xiaomi. Trong khi đó, Wang thừa nhận rất thích Xiaomi và ông đã rời Qualcomm để gia nhập startup này vào năm 2015. Hai năm sau, ông trở thành phó chủ tịch cao cấp của Xiaomi thay cho Barra.

Kể từ khi doanh thu của Xiaomi bắt đầu tăng trưởng, Lei đã trở thành một chuyên gia có uy tín trong giới đầu tư công nghệ tại Trung Quốc. Xiaomi và quỹ đầu tư mạo hiểm Shunwei Capital của ông đang rót vốn vào khoảng 450 doanh nghiệp tại Trung Quốc cũng như trên thế giới. Ấn Độ sẽ trở thành mục tiêu quan trọng nhất của Xiaomi trong 5 năm tới với kế hoạch dành 1 tỷ USD để hỗ trợ 100 startup tại quốc gia này.

"Lei có tầm nhìn rất rộng về những gì anh ấy muốn làm", Mandeep Manocha - nhà sáng lập Manak Waste Management tại New Delhi cho biết. Doanh nghiệp này đang được Shunwei rót vốn để vận hành hệ thống dịch vụ trực tuyến Cashify bán smartphone và laptop.

Theo Manocha, Lei tin rằng nếu muốn xây dựng bất kỳ thứ gì, cần nghĩ đến quy mô lớn và tìm cánh nhanh chóng vượt qua các đối thủ để trở thành số một trên thị trường. Nhờ quan điểm này, chỉ sau ba năm gia nhập Ấn Độ, Xiaomi đã giành được vị trí số một tại thị trường này.

70% doanh thu của Xiaomi đến từ smartphone, 20% từ đồ gia dụng và sản phẩm liên doanh cùng các đối tác, dịch vụ Internet chiếm 10%. Lei cho biết, các ý tưởng được xuất hiện từ đội ngũ phát triển sản phẩm và các phản hồi của khách hàng.

"Chúng tôi cần tiếp cận dần với các sản phẩm toàn cầu hoá. Đồng thời, Xiaomi cần tăng cường kiểm soát chất lượng và quản lý thương hiệu. Vậy nên, chúng tôi phải kiểm soát tốc độ phát triển", ông chủ Xiaomi cho hay.

Xiaomi lọt Top 5 hãng điện thoại chiếm thị phần lớn nhất tại Trung Quốc. Ảnh:SCMP.

Đến năm 2016, Xiaomi mất vị trí số một trên thị trường smartphone tại Trung Quốc vào tay Oppo. Doanh nghiệp này xếp sau cả Huawei, Vivo và Apple. Tuy nhiên, Lei tham vọng giành lại ngôi vương trong vòng 10 quý từ khi ra mắt 2 dòng sản phẩm mới năm ngoái. Lei có nhiều lý do để lạc quan bởi quý IV năm ngoái, Xiaomi tăng trưởng nhanh nhất trong 4 nhà sản xuất smartphone tại Trung Quốc.

Một số ngân hàng Trung Quốc dự báo, đợt IPO của Xiaomi có thể bằng hoặc vượt giá trị 25 tỷ USD mà Alibaba từng thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, Lei sẽ không bình luận về bất kỳ khía cạnh nào trong kế hoạch IPO.

Nhiều người đặt câu hỏi Lei sẽ trở thành Steve Jobs hay Jeff Bezos - ông chủ Amazon vì các cửa hàng Xiaomi rất giống với phong cách của Apple, nơi khách hàng có thể dùng thử tất cả các sản phẩm trên bàn gỗ, bên cạnh những tấm bảng quảng cáo lớn trên tường.

Tuy nhiên, Lei từng nói rằng: "Tôi không muốn trở thành Jobs hay Bezos. Vì tôi nghĩ rằng mô hình kinh doanh của Xiaomi rất khác với họ và là sự đổi mới của riêng chúng tôi".

Tin cùng chuyên mục