Khối ngoại thoái vốn mạnh nhất 10 năm khỏi các thị trường mới nổi châu Á

Từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chưa bao giờ nhóm thị trường mới nổi này chứng kiến đợt thoái vốn mạnh đến vậy...
Một màn hình lớn tại Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET).
Một màn hình lớn tại Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET).

Các nhà đầu tư nước ngoài đang có đợt thoái vốn mạnh nhất kể từ năm 2008 khỏi các thị trường mới nổi hàng đầu ở khu vực châu Á, cho dù các nền kinh tế này có triển vọng tăng trưởng và tình hình tài chính vững vàng.

Dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập cho thấy từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư nước ngoài đã rút tổng cộng 19 tỷ USD khỏi 6 thị trường gồm Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay, chưa bao giờ nhóm thị trường mới nổi này chứng kiến một đợt thoái vốn mạnh đến vậy.

Quý 1 năm nay, các thị trường mới nổi đã "tỏa sáng", chứng tỏ sự vững vàng trước việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng trong vòng 2 tháng trở lại đây, hình ảnh này không còn được duy trì.

Trong bối cảnh các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ giờ đây mang lại mức lợi suất khá hấp dẫn khoảng 2%, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quanh ngưỡng 3%, cộng thêm triển vọng FED tiếp tục nâng lãi suất, thì tiêu chuẩn để các nhà đầu tư nước ngoài mua vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn - trong đó có tài sản tại các thị trường mới nổi, cũng được nâng cao hơn.

Những tít báo cho rằng căng thẳng thương mại có thể ảnh hưởng bất lợi đến các nhà xuất khẩu ở khu vực châu Á cũng không có lợi cho các thị trường mới nổi.

"Đây không phải là một bối cảnh tốt cho các thị trường mới nổi", ông James Sullivan, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán thuộc JPMorgan Chase, nhận định. "Chúng tôi cho rằng mới chỉ có khoảng 2/3 số lần nâng lãi suất của FED trong vòng 12 tháng tới được phản ánh vào giá tài sản. FED tiếp tục trở nên cứng rắn hơn, nhưng thị trường vẫn chưa phản ánh đầy đủ điều đó".

Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đã đánh giá cao các yếu tố kinh tế vĩ mô của khu vực châu Á, nhấn mạnh rằng đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới và có sự ổn định chính trị, đã xuất hiện một số ý kiến cảnh báo trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu suy giảm.

Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index đo sức mạnh của các đồng tiền ở khu vực châu Á so với đồng USD ngày 18/6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Không chỉ FED nâng lãi suất, mà Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng bắt đầu có những bước đi tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ sau thời gian nới lỏng kéo dài.

Tuy vậy, một số chuyên gia vẫn thể hiện quan điểm lạc quan. Bank of America Merrill Lynch dự báo một số đồng tiền trong khu vực, gồm đồng Baht Thái và Peso Philippines sẽ tăng giá nhẹ so với USD trong thời gian từ nay đến cuối năm. 

Trong số 10 đồng tiền thị trường mới nổi tăng giá mạnh nhất so với USD từ đầu năm đến nay, có 6 đồng ở khu vực châu Á, dẫn đầu là đồng Ringgit của Malaysia với mức tăng 1,2% và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc với mức tăng 1,1%.

Thời gian gần đây, một loạt quốc gia đang phát triển gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ấn Độ và Argentina đều đã nâng lãi suất để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.

Tháng 5 vừa qua, Philippines đã có đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2014. Tuần này, Ngân hàng Trung ương Philippines được dự báo sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 3,5%.

Trong quý 2 này, đồng Baht Thái đã giảm giá 4,6% so với đồng USD, dù Thái Lan có thặng dư tài khoản vãng lai tương đương 9% GDP và chuỗi năm tăng trưởng trên 3,5% kể từ đầu thập niên 2000. Theo dự báo, Ngân hàng Trung ương Thái Lan sẽ duy trì lãi suất ở mức 1,5% trong cuộc họp tuần này, nhưng có thể sẽ nâng lãi suất một lần trong quý 3.

Tin cùng chuyên mục