“Loạt hãng chip Mỹ và Đức cắt quan hệ với Huawei”

Theo giới thạo tin, sau Google, đến lượt Intel, Qualcomm, Xilin, Broadcom và Infineon dừng cung cấp cho Huawei...
Lệnh cấm của Mỹ đang gây ra thách thức lớn đối với Huawei - Ảnh: Nikkei.
Lệnh cấm của Mỹ đang gây ra thách thức lớn đối với Huawei - Ảnh: Nikkei.

Các biện pháp của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm "triệt hạ" hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei đang gây ra những xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động mạnh đến những nhà cung cấp linh kiện hàng đầu thế giới.

Theo tin từ Bloomberg, giá cổ phiếu của hãng sản xuất con chip Đức Infineon Technologies giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng ngày thứ Hai tại thị trường châu Âu, sau khi tờ báo Nhật Nikkei nói rằng hãng này đã dừng cung cấp hàng cho Huawei do lệnh cấm của Mỹ.

Trước đó, một loạt công ty Mỹ đã dừng việc cung cấp phần mềm và linh kiện quan trọng cho Huawei nhằm tuân thủ yêu cầu của Chính phủ nước này.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin nói rằng các hãng chip Mỹ bao gồm Intel, Qualcomm, Xilin và Broadcom đã thông báo với nhân viên về việc không tiếp tục cung cấp hàng cho Huawei cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Alphabet, công ty mẹ của Google, thì đã dừng cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho Huawei, cũng theo nguồn thạo tin đề nghị không tiết lộ danh tính.

Những động thái trên đặt ra thách thức lớn đối với Huawei, công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ nhì thế giới. Hôm thứ Sáu tuần trước, chính quyền ông Trump đưa ra những biện pháp hạn chế nhằm khiến Huawei không bán được sản phẩm gì ở Mỹ và cũng không thể mua được công nghệ hay linh kiện gì từ Mỹ.

Không chỉ gây khó dễ cho Huawei, lệnh cấm của Mỹ còn có thể gây gián đoạn hoạt động kinh doanh của các hãng chip lớn của Mỹ - những công ty thường có mức độ phụ thuộc cao và thị trường Trung Quốc. Theo Bloomberg, nếu được thực thi đầy đủ, lệnh cấm của Mỹ có thể ảnh hưởng khắp ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu.

Intel vốn là nhà cung cấp chính về con chip máy chủ cho Huawei; Qualcomm cung cấp cho Huawei nhiều bộ vi xử lý và modem dùng cho điện thoại thông minh (smartphone); Xilin bán cho hãng này các con chip lập trình dùng cho kết nối mạng; còn Broadcom là nhà cung cấp của Huawei về con chip chuyển mạch, một linh kiện chủ chốt khác của thiết bị kết nối mạng.

"Huawei có sự phụ thuộc lớn vào các sản phẩm bán dẫn của Mỹ và sẽ bị hạn chế nghiêm trọng nếu không có nguồn cung linh kiện chủ chốt từ Mỹ", nhà phân tích Ryan Koontz thuộc Rosenblatt Securities nhận định. Theo vị này, lệnh cấm của Mỹ có thể khiến Trung Quốc "hoãn triển khai mạng 5G của nước này cho tới khi lệnh cấm được dỡ, theo đó ảnh hưởng tới nhiều nahf cung cấp linh kiện toàn cầu khác".

Động thái của các công ty Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, đẩy cao mối lo ngại rằng mục tiêu của ông Trump là kiềm chế Trung Quốc, châm ngòi cho một cuộc "chiến tranh lạnh" kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Kịch bản cực đoan nhất là mảng thiết bị viễn thông của Huawei rơi vào tình trạng thất bại, khiến Trung Quốc bị tụt lại nhiều năm trong lĩnh vực này, và thậm chí bị Trung Quốc xem là một hành động chiến tranh", ông Koontz viết. "Một tình huống như thế sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường viễn thông toàn cầu".

Ngoài ra, lệnh cấm của Mỹ cũng giáng một đòn trực tiếp vào mảng thiết bị di động đang phát triển nhanh chóng của Huawei. Bị Google "quay lưng", Huawei chỉ còn có thể tiếp cận với phần mềm hệ điều hành di động Android mã nguồn mở, và không thể tiếp cận với các ứng dụng và dịch vụ thuộc quyền sở hữu của Google như Maps, tìm kiếm, và Gmail - nguồn thạo tin cho hay.

Tin cùng chuyên mục